Trông người mà ngẫm đến ta, đây là những cảm nhận của một người Việt đã sang Nhật. Nền văn hóa Nhật thì cả thế giới phải ngưỡng mộ chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng chỉ riêng về mức độ chu đáo của người Nhật đã khiến mỗi chúng ta đều phai suy ngẫm và học tập để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Tôi nghĩ chỉ cần kể ra những chi tiết về sự chu đáo của người Nhật mà tôi được trực tiếp trải nghiệm trong mấy ngày ở đất nước này là đủ một bài, không cần bình luận câu nào.
Sự chu đáo ấy thể hiện ngay khi tôi còn chưa bước chân lên máy bay rời VN. Ở cửa ra, mỗi tiếp viên của hãng Japan Airlines trước khi đi qua đều quay lại cúi thấp người chào những hành khách đang ngồi tại các hàng ghế chờ, cho dù những người đang cắm mặt vào điện thoại hay buôn chuyện đó có trông thấy hay không.
Mô hình thu nhỏ các hiện vật trong bảo tàng Edo-Tokyo, có chữ nổi Braille đi kèm, dành riêng cho người khiếm thị
Trên các phương tiện công cộng, an toàn là yếu tố được dặt lên hàng đầu. Điều đầu tiên khi ngồi lên xe buýt, và được nhắc đi nhắc lại, là cài dây an toàn. Trên một số xe, tài xế còn bật đĩa, dù ngắn, với thông điệp cài dây an toàn bằng 5-6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
Tôi cũng hiếm khi thấy tài xế xe buýt của mình bấm còi. Thay vào đó, mỗi lần xe sắp chuyển hướng, nó "nói", mà sau đó qua người phiên dịch tôi biết, rằng: "Xe sắp chuyển hướng, hãy cẩn thận", cho cả người ở trong và ngoài xe nghe được.
Nhật Bản là đất nước của thiên tai, nhất là động đất, và người Nhật cũng không quên nhắc những người khách ở xa đến về điều đó. Việc đầu tiên sau khi check-in một khách sạn mới, trước cả khi nhận phòng, là nghe hướng dẫn về quy trình và lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Nghe "đáng sợ" vậy, nhưng thông điệp quan trọng nhất lại là: "Cứ bình tĩnh, ở trong phòng, đến khi bạn được thông báo về tình hình và sau đó, cứ làm theo hướng dẫn".
Người Nhật cũng muốn đảm bảo những người khách có đủ sức khỏe để tham gia các hoạt động, vì thế, việc đầu tiên cần làm hàng ngày, trước cả việc ăn sáng, là đo thân nhiệt. Ngày nào cũng như ngày nào, không có lý do gì phải thay đổi.
Trước khi rời xe buýt hay tàu Shinkansen, bạn sẽ được nhắc rất cẩn thận: Mang theo mọi thứ, kể cả chai nước, không để lại dù một cọng rác, trả lại ghế như cũ. Rời khỏi phòng họp cũng phải để lại ghế như cũ.
Hẳn nhiên là sẽ có người kiểm tra dọn dẹp sau đó, nhưng sự sạch sẽ ngăn nắp mà bạn nhận được chẳng phải do những người sử dụng trước đã nghiêm túc thực hiện nguyên tắc trên sao. Giữ gìn vệ sinh trật tự là nhiệm vụ của mọi người chứ không chỉ của những người mà ta vẫn nghĩ họ được trả tiền để làm việc ấy.
Đặc biệt, nếu bạn check-out khách sạn mà để lại bất cứ thứ gì, không cho vào thùng rác hoặc chú thích là rác, thì chắc chắn khách sạn sẽ giữ và tìm mọi cách gửi trả lại bạn. Tất nhiên, mọi phí tổn bạn chịu.
Chuyến thăm đến bảo tảng Edo-Tokyo thì khiến tôi bất ngờ khi nhìn thấy mô hình thu nhỏ của một số hiện vật lớn mà tôi đã nhìn thấy trước đó trong bảo tàng. Đến gần tôi mới thấy, những mô hình đó, như ngọn hải đăng, ngôi nhà, hay bức tranh, đều có chữ nổi Braille và tai nghe âm thanh đi kèm, để cả những người khiếm thị cũng có thể thưởng thức những gì được trưng bày trong bảo tàng.
Đường phố, lối lên xuống các tòa nhà, cửa hàng cửa hiệu, đều có những gờ nổi, tay bám để đảm bảo người tàn tật có thể tự mình đi lại mà không cần quá nhiều sự giúp đỡ.
Cuối cùng, khi bạn rời khỏi một nơi, chắc chắn những người chủ nhà sẽ ra đứng vẫy tay chào mãi, cho đến khi khách đã khuất dạng. Ở đâu cũng vậy.
Vietbf @ sưu tầm.