Trang tin "Global Research" mới đây đăng bài viết cho biết, một phái đoàn đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) được phái tới Nam Sudan đã báo cáo tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 14/12/2016 rằng “đang có những tín hiệu cảnh báo về tội ác hàng loạt ở Nam Sudan”. Với sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây, Nam Sudan đã tuyên bố độc lập và tách khỏi Sudan vào năm 2011, tuy nhiên, quốc gia Trung Phi 5 tuổi này vẫn chìm trong tình trạng hỗn loạn dù đã kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 3 năm vào tháng 8/2015.
Thanh trừng sắc tộc
Cuộc chiến này bắt đầu từ một cuộc xung đột chính trị giữa tổng thống và phó tổng thống cùng các bộ tộc, kết quả là đã gây ra mâu thuẫn giữa hai bộ tộc lớn nhất của quốc gia Trung Phi này là Dinka và Nuer, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng giữa những bộ tộc khác. Xung đột đẫm máu tại đây đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hơn 3,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Hiện tại, các chính trị gia của nước này đang bị cáo buộc lợi dụng căng thẳng sắc tộc để phục vụ mục đích chính trị, và các nhà quan sát LHQ cảnh báo rằng bạo lực đang diễn ra có thể hợp lại thành các cuộc thanh trừng sắc tộc trên quy mô lớn, nếu các cuộc xung đột tiếp tục lan rộng.
Chủ tịch Ủy ban Nam Sudan của LHQ, ông Yasmin Sooka, nhận định: “Hiện có sự gia tăng phân cực sắc tộc, hình thành nền văn hóa bài trừ và ở một số khu vực đã xuất hiện bạo lực có hệ thống". Chuyến thăm gần đây của một phái đoàn thuộc Ủy ban đến Nam Sudan đã nhận thấy rằng quá trình thanh trừng sắc tộc đang diễn ra ở một số khu vực của đất nước này. Làn sóng di cư đang gia tăng do tình trạng giết người, bắt cóc, hãm hiếp, cướp bóc... Tại đất nước này, hàng triệu người đã phải dời bỏ nhà cửa, quê hương đi lánh nạn do nội chiến. Ông Sooka nói rằng đặc biệt, kế hoạch "vẽ" lại ranh giới quốc gia của Chính phủ Nam Sudan chỉ làm trầm trọng thêm cuộc di cư và chia rẽ sắc tộc.
Theo tuyên bố của ông Sooka, tệ nạn hiếp dâm ở nước này đã lên đến mức báo động "chưa từng có". Các thống kê cho thấy hơn 70% phụ nữ trong các trại "bảo vệ dân sự" bị tấn công tình dục. Đặc biệt, quốc gia Trung Phi đầy bất ổn này đang phải đối mặt với vấn đề an ninh lương thực rất nghiêm trọng, dân thường đang trở thành mục tiêu cướp bóc và giết người của binh lính, cảnh sát trong cuộc chiến chống lại các nhóm sắc tộc. Trong khi đó, nền kinh tế đất nước kiệt quệ, đang bị xâu xé nghiêm trọng và tất cả diễn ra trong bối cảnh lạm phát "phi mã" không thể kiểm soát cũng như sự sụp đổ của các dịch vụ xã hội cơ bản. Các nhóm dân tộc, thậm chí là các quan chức chính phủ, đã và đang đua nhau đưa ra những bài phát biểu thù địch và mất nhân tính, gieo rắc nỗi sợ hãi trong dân chúng.
Bạo lực lan tràn
Trong bài phát biểu trên truyền hình CNN (Mỹ) mới đây, ông Princeton Lyman - cựu đặc phái viên Mỹ ở Sudan và Nam Sudan, Chủ tịch Viện Hòa bình Nancy Lindborg (Mỹ) - nói: "Có lẽ, điều đáng lo ngại nhất là những hành động của Chính phủ Nam Sudan khi chính phủ này tăng cường đàn áp dân thường trên phạm vi rộng, kết quả là rất nhiều người thiệt mạng một cách bí ẩn. Hiện nay, các phe nhóm chém giết lẫn nhau và nhu cầu trả thù ngày càng tăng".
Đặc biệt, ngày 16/12/2016, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã cáo buộc Chính phủ Nam Sudan góp phần gia tăng bạo lực sắc tộc và kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ phải có phản ứng khẩn cấp và kịp thời. Trong một tuyên bố, ông Ban Ki-moon nói: "Tổng thống Salva Kiir đã theo đuổi chiến lược dân tộc dựa trên đàn áp những người bất đồng chính kiến, "bịt miệng" các phương tiện truyền thông, loại trừ các nhân vật quan trọng tại Nam Sudan trong tiến trình hòa bình và đơn phương thực hiện một thỏa thuận để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bạo lực hiện đã lan ra khắp cả nước. Tại Sametime, hành động của các nhà lãnh đạo miền Nam Sudan - bao gồm cựu Phó Thủ tướng Riek Machar và các nhân vật đối lập có vũ trang khác - đang đẩy mạnh các cuộc xung đột sắc tộc và lợi dụng các cuộc xung đột này vì lợi ích chính trị của họ. Nguy cơ tội ác hàng loạt bao gồm thanh trừng sắc tộc đang leo thang trên thực tế có thể dẫn đến nạn diệt chủng".
Nếu chiến sự không chấm dứt ngay lập tức và không có một nghị quyết chính trị nào thì HĐBA LHQ nên áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí và biện pháp trừng phạt với mục tiêu để thay đổi các tính toán của các phe phái tại đây và thuyết phục họ chọn con đường hòa bình. Ngoài ra, việc bắt các bên chịu trách nhiệm là rất quan trọng vì những tội ác đê hèn từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất đều phải đối mặt với công lý quốc tế. Mới đây, Mỹ đã đề xuất các biện pháp trừng phạt nhắm vào Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir, thủ lĩnh đối lập Riek Machar, các quan chức cao cấp và thủ lĩnh đối lập khác, nhưng nghị định này đã vấp phải sự phản đối của Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và một số thành viên khác trong HĐBA LHQ với lý do rằng việc trừng phạt các nhà lãnh đạo và thủ lĩnh đối lập của quốc gia châu Phi này sẽ không giúp nhiều cho tiến trình tìm kiếm hòa bình và hòa hợp dân tộc tại đây.
Ông Sooka cảnh báo: "Nam Sudan đang đứng trên bờ vực một cuộc nội chiến sắc tộc nghiêm trọng, có thể gây bất ổn cho toàn bộ khu vực. Bất cứ nơi nào chúng tôi đến thăm, người dân đều lo sợ đất nước của họ sẽ rơi vào tình cảnh giống nạn diệt chủng ở Rwanda trước đây. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về sự tàn ác dã man, nhưng điều này không có nghĩa là không thể ngăn chặn được. Cộng đồng quốc tế cần phải hành động khẩn cấp, bao gồm hành động của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, nhằm đảm bảo cho tiến trình hòa bình lâu dài, nhưng đồng thời phải thực hiện các bước cần thiết để các bên phải chịu trách nhiệm về các hành động dã man đối với đất nước và người dân nước này”...
Therealtz © VietBF