Các nước châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ là hai cường quốc mạnh về vũ khí quân sự. Hiện hai quốc gia này vũ khí do nhà "trồng được" nên họ chủ động về mọi mặt. Các chuyên gia nhận định châu Á chạy đua tàu sân bay, chiến tranh tương lai sẽ đau thương hơn.
Trong tương lai, một số máy bay cánh cố định trên tàu sân bay sẽ đóng vai trò mang tính quyết định trong chiến tranh, hoặc sẽ làm thay đổi cân bằng sức mạnh khu vực, đặc biệt là ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Trung Quốc sẽ hạ thủy tàu sân bay 001A vào quý 2
Tờ Kanwa Defense Review Canada kỳ mới nhất cho rằng tàu sân bay Type 001A của Hải quân Trung Quốc sẽ hạ thủy vào quý 2 năm 2017. Bài viết đã đăng hình ảnh chi tiết rõ ràng về tàu sân bay này.
Tàu sân bay Type 001A đang chế tạo tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Theo tiến độ thi công hiện nay, tàu sân bay Type 001A sẽ hạ thủy vào quý 2 và bước vào giai đoạn lắp ráp máy móc, đồ điện, thiết bị điện tử, sau đó còn phải bỏ ra thời gian 2 năm, đến năm 2019 tàu sân bay sẽ bước vào chạy thử.
Hình ảnh tàu sân bay 001A đăng trên Kanwa có thể phát hiện rõ cầu tàu cao 13 tầng, phòng chỉ huy hoạt động của tàu có 2 tầng.
Kết cấu cơ bản của tàu sân bay 001A hoàn toàn sao chép tàu sân bay Kuznetsov do Liên Xô cũ hoàn thành thiết kế năm 1978, nhưng chuyên gia Pinkov cho rằng phòng điều khiển chạy của tàu sân bay Kuznetsov chỉ có 1 tầng.
Từ hình ảnh cho thấy, tàu sân bay 001A đã lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động APAR tương đồng với tàu khu trục tên lửa Type 052D, bao quát 360 độ.
Ngoài ra, từ hình ảnh có thể nhìn thấy trạng thái hàn nối dọc, ngang của đường băng tàu sân bay 001A.
Chuyên gia Pinkov cho rằng thép tấm, hàn nối của đường băng tàu sân bay là công nghệ có độ khó tương đối cao, Liên Xô cũ và Ấn Độ hiện nay đều đối mặt với khó khăn to lớn, chỉ có rất ít quốc gia có thể sản xuất được thép đặc chủng dùng cho đường băng tàu sân bay.
Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Pinkov cho biết Tập đoàn Yên Cương và Tập đoàn Bảo Cương của Trung Quốc đều cung cấp thép tấm cho tàu sân bay 001A.
Trong khi đó, tàu sân bay tự chế thứ hai Type 002 của Trung Quốc đã bắt đầu chế tạo ở nhà máy đóng tàu Trường Hưng, Giang Nam vào tháng 3 năm 2015.
Giáo sư Kim Nhất Nam của Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng tàu sân bay 002 là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển thực sự.
Theo Pinkov, thiết kế cơ bản của tàu sân bay Admiral Kuznetsov là sản phẩm chưa được luận chứng đầy đủ của Cục thiết kế Liên Xô, được hoàn thành một cách rất vội vàng, bởi vì Hải quân Liên Xô cần nhanh chóng trang bị tàu sân bay.
Tàu sân bay hiện có Admiral Kuznetsov của Hải quân Nga tháng 12 năm 2016 bắt đầu triển khai chiến dịch đường không tấn công tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) ở Địa Trung Hải. Do một loạt sự cố kỹ thuật, tàu sân bay này đã rút tuần tra chiến đấu từ ngày 15 tháng 12.
Trung Quốc có thể sở hữu 6 tàu sân bay
Theo tờ nguyệt san National Interest Mỹ ngày 18 tháng 1 cho rằng tàu sân bay hiện nay hầu như đang rất thịnh hành ở châu Á.
Mãi đến gần đây, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 nước sở hữu tàu sân bay trang bị máy bay cánh cố định: Ấn Độ sở hữu 1 tàu sân bay cũ của Anh đã có hơn 50 năm hoạt động. Thái Lan có một chiếc tàu sân bay mini Chakri Naruebet.
Hai tàu sân bay này đều chỉ có thể chở máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng Harrier. Trên thực tế, loại máy bay này phần lớn đã ngừng hoạt động.
Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Hiện nay, Trung Quốc cũng đã sở hữu 1 chiếc tàu sân bay, sau khi được Trung Quốc cải tạo, tàu sân bay Varyag thời Liên Xô đã được đặt tên lại là Liêu Ninh.
Ngoài ra, Ấn Độ mới nhận được tàu sân bay INS Vikramaditya; đang chế tạo một chiếc khác có tên là INS Vikrant - tàu này đang tiến hành chạy thử.
Dư luận tin rằng Trung Quốc hiện có ít nhất 2 tàu sân bay đang chế tạo. Hải quân Trung Quốc cuối cùng sẽ sở hữu nhiều nhất 6 tàu sân bay, trang bị máy bay chiến đấu J-15. Ấn Độ có kế hoạch sở hữu ít nhất 3 tàu sân bay.
Ngoài ra, ít nhất còn có ba nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đều đang mua sắm tàu tấn công cỡ lớn có đường băng nối thẳng trang bị máy bay trực thăng.
Mặc dù những tàu chiến này đều không phải là tàu sân bay trang bị máy bay chiến đấu cánh cố định, nhưng chúng sẽ trở thành nền tảng của tàu sân bay trong tương lai.
Trên thực tế, 2 tàu chiến Australia đang mua của Tây Ban Nha vốn dự định chở theo máy bay chiến đấu cánh cố định.
Mặc dù chỉ có số ít quốc gia đã sở hữu tàu sân bay chở máy bay cánh cố định, nhưng điều này báo hiệu tàu sân bay sẽ đóng vai trò to lớn trong tác chiến của hải quân khu vực trong tương lai.
Đối với Trung Quốc, điều này có nghĩa là tàu sân bay sẽ đóng vai trò trung tâm trong hạm đội của Hải quân Trung Quốc trong tương lai, hộ tống cho nó sẽ gồm có tàu ngầm, tàu khu trục và tàu chiến chạy tốc độ nhanh.
Trong lực lượng tấn công mang tính liên tục, có chiều sâu và tầm xa, cụm tấn công tàu sân bay là công cụ sức mạnh quân sự gây ấn tượng sâu sắc nhất.
Tháng 7/2015, tàu sân bay INS Vikrant Ấn Độ hạ thủy (ảnh tư liệu)
Nhưng, sở hữu tàu sân bay hoàn toàn sẽ không tự nhiên trở thành hải quân có nền tảng là tàu sân bay. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, họ muốn sở hữu hạm đội hoàn chỉnh 4 - 6 cụm tấn công tàu sân bay thì họ cần tới thời gian 20 năm hoặc lâu hơn.
Ngoài ra, tác chiến bằng tàu sân bay có nhiều thách thức hơn bất cứ trang bị nào khác. Hạ cánh máy bay trên đường băng tàu sân bay là một trong những thứ gây áp lực lớn nhất trong hành động bay.
Đồng thời, đường băng tàu sân bay cũng là một trong những khu vực hoạt động nguy hiểm nhất, bởi vì diện tích của nó tương đối nhỏ, trong khi một loạt hoạt động đều diễn ra ở đó. Vì vậy, khả năng xuất hiện sự cố bất ngờ gây chết người cho phi công hoặc nhân viên hỗ trợ là rất cao.
Tác chiến tàu sân bay cũng có gánh nặng lớn. Khác với các tàu chiến đấu trên biển khác, tàu sân bay là "hệ thống trong hệ thống". Trên tàu sân bay thường có vài loại máy bay khác nhau, tạo thành "lực lượng đường không tàu sân bay".
Ngoài ra, tác chiến liên tục và mang tính "tuần hoàn" của máy bay trên tàu sân bay đòi hỏi phải có sự phối hợp kỹ càng giữa con người và "máy móc", cần phải tiến hành huấn luyện, diễn tập liên tục. Điều này không chỉ cần cơ quan đào tạo bờ biển lớn, mà còn cần tiến hành diễn tập trên biển định kỳ.
Vì vậy, khả năng đuổi kịp tàu sân bay Mỹ của Hải quân Trung Quốc và Hải quân Ấn Độ còn rất phức tạp và vẫn chưa xác định.
Tuy nhiên, trên cơ sở xu hướng phát triển hiện nay, các nước châu Á - Thái Bình Dương mở rộng hoạt động trên biển đã gây chú ý. Sự phổ biến của tàu sân bay là điều không thể tránh khỏi.
Tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay thế hệ tiếp theo của châu Á sẽ trang bị hệ thống phóng máy bay thậm chí hệ thống đẩy bằng hạt nhân.
Điều này có nghĩa là nó sẽ có nhiều máy bay tác chiến hơn và cự ly tấn công xa hơn. Thậm chí, một số máy bay cánh cố định trên tàu sân bay sẽ đóng vai trò mang tính quyết định trong chiến tranh, hoặc sẽ làm thay đổi cân bằng sức mạnh khu vực, đặc biệt là ở những khu vực như eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Về tổng thể, hải quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có được tầm bắn, tốc độ, tính cơ động cao hơn, hỏa lực mạnh hơn, tính đa năng và tính thích ứng tốt hơn, đồng thời đã cải thiện khả năng nắm bắt, chỉ huy và kiểm soát chiến trường.
Vì vậy, khu vực này một khi nổ ra xung đột thì nhất định sẽ diễn ra nhanh hơn, cự ly dài hơn, chính xác hơn, sát thương hơn, có thể gây ra hậu quả mang tính thảm họa hơn.