Mỹ, Hàn Quốc và Nhật đang thực sự lo lắng chiến tranh sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Người dân Hàn Quốc và Nhật Bản đã chuẩn bị nếu cuộc chiến xảy ra, thậm chí nhà giàu còn sắm cả hầm chống bom nguyên tử. Còn Mỹ, một thành phố gần Triều Tiên nhất cũng đã có phương án sơ tán lo sợ chiến tranh.
Khác với sự lo lắng của cộng đồng quốc tế trước chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Nga lại tỏ ra bình tĩnh và thậm chí còn kêu gọi các bên liên quan kiềm chế cũng như ngừng bắt nạt Bình Nhưỡng.
Cộng đồng quốc tế nhanh chóng đưa ra phản ứng và chỉ trích mạnh mẽ việc Triều Tiên cho phóng thử tên lửa đạn đạo hôm 14/5. Về phần mình, Moscow lại khiến giới chuyên gia bất ngờ với những tuyên bố có phần hờ hững dù tên lửa Triều Tiên được xác định rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, cộng đồng quốc tế nên có những động thái thận trọng và kiên nhẫn cũng như ngừng đe dọa Triều Tiên.
Theo Business Insider, Nga vẫn cần phải đặc biệt quan tâm tới chương trình phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Bởi Nga là một trong ba quốc gia có đường biên giới đất liền sát Triều Tiên trải dài khoảng 17 km. So với Mỹ, vùng lãnh thổ phía đông của Nga còn là khu vực có khả năng chịu thiệt hại nặng nề từ các cuộc tấn công của lực lượng tên lửa Triều Tiên.
Các chiến đấu cơ Sukhoi Su-30SM của Nga tham gia một cuộc trình diễn quân sự hồi năm 2016.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn tới việc thay vì chỉ trích, Nga lại dường như lặng tiếng sau vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên là vì với Moscow, Bình Nhưỡng hiện không phải là mối quan ngại an ninh hàng đầu. Nói cách khác, Nga hiện đang tập trung giải quyết các vấn đề tại Ukraine, Syria, các mối quan hệ với NATO và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Và điện Kremlin cảm thấy "vui vẻ" để Bắc Kinh chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bởi Trung Quốc mới là quốc gia có lợi ích chiến lược trước số phận của Triều Tiên.
Việc Nga muốn các bên sử dụng phương pháp ngoại giao để giải quyết những tranh cãi về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng là cách giúp Moscow tăng vị thế trên trường quốc tế.
Trên thực tế, giới chức Nga hiểu rằng sở hữu vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo vệ chính quyền. Điều này được thể hiện thông qua việc Nga cho khôi phục năng lực hạt nhân trong thập niên 90 để đối phó với những lời chỉ trích của phương Tây về cuộc chiến ở Chechnya. Thậm chí, trong chuyến công du cuối cùng hồi năm 1999 trên cương vị Tổng thống Nga, ông Boris Yeltsin đã nói với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Bill Clinton rằng, việc Nga sở hữu sức mạnh hạt nhân sẽ "ngăn chặn quyết tâm của Mỹ trong việc đề ra quy định cho toàn thế giới".
Còn hiện tại, khác với quan điểm của nhiều quốc gia phương Tây, Nga không coi chính quyền Bình Nhưỡng là "mất lý trí". Với Nga, việc phương Tây can thiệp vào nội bộ chính quyền Yugoslavia, Iraq, Libya và cuộc biểu tình Maidan ở Ukraine mới thực sự là mối đe dọa với Moscow chứ không phải là các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Do đó, theo giới chuyên gia, Nga có thể là quốc gia duy nhất trong khu vực không quan tâm tới chuyện liệu căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có được giải quyết hay không và hai quốc gia này có tiến tới thống nhất hay không.
Trong khi đó, nếu xảy ra viễn cảnh thống nhất hai miền Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt và đối mặt với cả sự bất ổn bởi giữa Seoul và Bình Nhưỡng tồn tại khoảng cách lớn về tốc độ phát triển và chất lượng cuộc sống.
Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất thì mối đe dọa an ninh hiện thời sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ, nhưng Nhật Bản lại quan ngại rằng sự thống nhất này sẽ giúp Hàn Quốc có quy mô và dân số tương đương Nhật Bản cũng như trở thành đối thủ nặng ký với Tokyo. Nguyên nhân là quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ở trong tình trạng căng thẳng kể từ sau Thế chiến thứ Hai.
Còn với Trung Quốc, dù Triều Tiên đang gây ra nhiều phiền toái cho chính quyền Bắc Kinh, nhưng Bình Nhưỡng vẫn đóng vai trò chiến lược trở thành vùng đệm để ngăn các mối đe dọa tấn công trên bộ. Nói cách khác, một lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ đang hoạt động trên lãnh thổ Hàn Quốc có thể tiến sát biên giới Trung Quốc nếu như không may chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Đây chính là điều Trung Quốc không bao giờ mong muốn.
Ngay cả với Mỹ, mối đe dọa từ Triều Tiên cũng là cái cớ tốt nhất để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ngoài mục đích đối phó với Bình Nhưỡng, về lâu dài, sự có mặt của quân đội Mỹ trong khu vực cũng là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo Business Insider, Nga không chịu thiệt hại gì nhiều nếu như chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Thậm chí, một khi hai miền Triều Tiên thống nhất, Nga lại có cơ hội thực hiện những dự án kinh tế mới như xây dựng đường ống dẫn khí đốt và các tuyến đường sắt mới. Ngoài ra, khi hai miền Triều Tiên thống nhất, quân đội Mỹ cũng sẽ rút lui khỏi khu vực. Tóm lại, một khi sự chia rẽ ở bán đảo Triều Tiên kết thúc, cán cân sức mạnh ở khu vực Đông Á cũng sẽ nghiêng về phía Nga. Moscow cũng sẽ có thêm một đối tác kinh tế mới.
Do đó, trong tình hình hiện nay, Nga chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để ngăn cho căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên không tiến tới mức nguy hiểm và biến thành xung đột. Và những tuyên bố của Tổng thống Putin kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh cho thấy, Nga sẽ không bao giờ nhìn nhận vấn đề Triều Tiên theo lăng kính của phương Tây.