Ở Nam Cực có thể nói là một nơi băng tuyết lạnh giá. Nhưng những chú chim cánh cụt vẫn sống được ở đây. Nhìn từ ngoài trái đất có thể thấy được cả phân chim.
Sẽ không quá lời nếu như nói Nam Cực là một vùng đất khắc nghiệt bậc nhất. Nơi đây chỉ toàn băng tuyết, nhiệt bộ trung bình thấp nhất trong toàn bộ các châu lục. Nhưng ở đây, chim cánh cụt vẫn sống và chúng có tới hàng chục loài khác nhau.
Chẳng thế phủ nhận rằng một số loại chim cánh cụt ở Nam Cực đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nhưng một số khác lại phát triển khá thịnh vượng. Và bạn biết không, số lượng chim này đang để lại những vết khổng lồ, đến mức quan sát được từ vệ tinh vũ trụ. Dấu vết ấy chính là... phân chim.
Đó chính là những gì đang diễn ra với loài chim cánh cụt Adélie - một trong những loài phát triển thịnh vượng nhất tại Nam Cực. Và để theo dõi chúng, các chuyên gia chỉ cần sử dụng vệ tinh của NASA để quan sát các dấu phân khổng lồ do chúng để lại.
Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu từ ĐH Stony Brook đang thực hiện khảo sát về lượng chim cánh cụt tại Nam Cực. Họ phát triển một thuật toán cho phép xử lý cả những mảng màu của đá tại đây - thứ mà các nghiên cứu trước chưa làm được. Trong đó, những khu vực có dấu phân chim cánh cụt sẽ mang màu tối hơn một chút.
Dựa trên các dữ liệu từ vệ tinh của NASA, họ tạo ra được một database trực tuyến để theo dõi chim cách cụt. Các chuyên gia cho biết, họ đã có thể xác định được có 166.000 chim cánh cụt trên đảo Brash, 23.000 trên đảo Earle và 7.000 trên đảo Darwin tại châu lục này. Đó là chưa kể đến những vùng lãnh địa của chim cánh cụt mà con người chưa từng biết đến.
Theo các nhà nghiên cứu, chim Adélie là "thủ phạm" chính tạo ra những cánh đồng phân tại Nam Cực. Tuy nhiên, cũng có thể một số loài như Chinstrap hoặc Gentoo góp phần vào đó.
Trên thực tế, thuật toán của nhóm nghiên cứu lần này tương đối quan trọng. Lý do nằm ở vệ tinh Landsat của NASA mà họ đã sử dụng khá hạn chế về chất lượng ảnh, nên khó lòng theo dõi được các vùng đất nhỏ.
Nhưng khi kết hợp với thuật toán, nó cho phép họ xác định những khu vực nhỏ hơn, với chỉ 3.000 cặp chim cánh cụt tọa lạc. Và nhờ vậy, nhóm chuyên gia cho rằng 97% khu vực có chim cách cụt giờ đã lộ diện.
"Người ta từng sợ rằng công nghệ như vệ tinh sẽ khiến nghiệp vụ khám phá thực địa bị thụt lùi. Nhưng thay vào đó, nó giúp nghiệp vụ ấy trở nên hiệu quả hơn," - trích lời tiến sĩ Heather Lynch - nhà sinh thái học tại ĐH Stony Brook.