Tổng thống Mỹ Donald Trump có một thói quen là ông hay viết trên tweet những quan điểm của mình. Đã có lần người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Obama đã có lời khuyên với ông về điều này nhưng ông không lường hết được những nguy hại đang rình rập qua những dòng cảm xúc của ông trên tweet.
Ông Trump đang để lộ nhiều điểm yếu khi ngày đêm viết những tweet nóng nảy và thiếu kiềm chế. Các nước khác lại đang khai thác tối đa từng câu chữ mà ông hé lộ.
'Bắt bài' thói quen diễn thuyết của Tổng thống Trump Sử dụng những con số cùng ngôn ngữ kịch tính và thường đề nghị mọi người tin mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thói quen diễn thuyết quen thuộc sau hơn 3 tháng nhậm chức.
Mỗi khi Tổng thống Donald Trump đăng một dòng tweet trên Twitter, giới báo chí và mạng xã hội chăm chú phân tích. Giới tình báo quốc tế cũng làm việc tương tự: họ cố tìm những điểm yếu của tổng thống Mỹ và chính ông lại đang chỉ đường cho họ.
Theo Washington Post, những dòng tweet của ông Trump như một mỏ vàng biếu không cho giới tình báo các nước. Thông thường, việc thu thập thông tin về lãnh đạo một quốc gia là công việc mang tính phương pháp, tỉ mỉ, và đa phần bí mật. Nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) phải liều mạng để tìm hiểu về các nguyên thủ nước khác để nước Mỹ có thể lập chiến lược ứng phó.
Tuy nhiên với ông Trump, không còn cần các nhiệm vụ mật để hiểu ông đang nghĩ gì: suy nghĩ của ông, không qua ai sàng lọc, được phát đi ngày đêm tới 32,7 triệu người theo dõi ông trên Twitter, không phải qua trung gian như các nhà ngoại giao, cố vấn hay chiến lược gia.
Món quà 'có một không hai' cho giới tình báo
Những cơ quan tình báo tìm hiểu các nguyên thủ cố gắng trả lời những câu hỏi chính như: Con người họ như thế nào? Họ là kiểu lãnh đạo thế nào? Liệu có giống với cách họ tham vọng và thể hiện bên ngoài hay không? Có thể đoán trước điều gì? Và làm sao để dùng những thông tin trên sao cho có lợi cho nước mình?
"Chúng tôi chưa bao giờ có nhiều thông tin tình báo gốc đến như vậy về một nguyên thủ quốc gia nước khác, để qua đó hiểu được những lo ngại, tính cách và lối suy nghĩ của họ. Nếu có, chúng tôi đã có lợi thế đáng kể trong quan hệ với nước đó", bà Nada Bakos, chuyên viên kỳ cựu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói với Washington Post.
Một dòng tweet trên tài khoản cá nhân của ông Trump: Chuyện Trump/Nga chỉ là bao biện cho thất bại của hội Dân chủ. Sao không nhận là Trump tranh cử tài đi? Ảnh chụp màn hình.
Những câu tweet của ông Trump càng giúp người ta phân tích rõ về ông: Thường xuyên có những tuyên bố cứng rắn ngay sau các bản tin, có vẻ ông thiếu kiềm chế. Khi nghiên cứu về Trump, giới tình báo sẽ đề xuất cách mà các nước họ có thể chọc giận hay làm dịu căng thẳng với ông, tùy vào ý đồ của họ.
Chẳng hạn, sau khi cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey điều trần về cuộc trao đổi giữa ông và tổng thống, ông Trump đã im hơi lặng tiếng trên mạng xã hội - cho đến sáng ngày hôm sau. Ông viết trên tài khoản Twitter: "Toàn là dối trá ... trời, Comey làm lộ bí mật quốc gia kìa!" và "Tôi nghĩ rò rỉ thông tin kiểu James Comey phổ biến hơn tất cả mọi người tưởng tượng. Quá phạm pháp? Thật 'hèn nhát'!"
Hầu như mọi nguyên thủ quốc gia khác - và chắc chắn mọi tổng thống Mỹ trước đây - đều sẽ để văn phòng báo chí lo việc truyền tải ý kiến của mình về phiên điều trần của James Comey. Đúng như vậy, tài khoản Twitter @
potus chính thức của tổng thống là do các cố vấn kiểm soát nên đa phần đăng những câu mà người đọc sẽ thấy khá phù hợp với một nguyên thủ (dù tài khoản này cũng thỉnh thoảng đăng lại từ tài khoản cá nhân của ông Trump). Tuy nhiên, tài khoản @
RealDonaldTrump của ông Trump lại máu lửa hơn nhiều.
Tổng thống Mỹ 'ưa nịnh'
Dù còn lạ lẫm với chính trường khi chạy đua vào Nhà trắng hồi năm ngoái, ông không xa lạ gì với Twitter. Xem lại các bài tweet cũ của ông, có thể thấy chỉ một chút khen ngợi cũng làm ông thích và chú ý.
Chẳng hạn ông Trump dẫn lại lời khen của fan một cách tự hào: "@_Meagann nói @
RealDonaldTrump gợi tôi nhớ đến ông của mình - người thông minh nhất tôi từng biết'. Wow, tuyệt quá!". Từ đó, tình báo một quốc gia có thể khuyên chính phủ của mình viết các bài báo ca ngợi ông Trump.
Và họ chắc chắn sẽ khuyên các quan chức nước mình nịnh ông Trump khi nói chuyện - chẳng hạn như đặt các bảng quảng cáo có lời và hình ảnh của ông Trump, y như Saudi đã làm trong chuyến thăm của ông Trump. Báo chí Saudi cũng đã đăng các bài khen ngợi trang phục của đệ nhất phu nhân Melania Trump trong chuyến thăm hồi tháng trước.
Chuyên san của một tờ báo Saudia Arabia khen ngợi đệ nhất phu nhân Melania Trump "quý phái và khiêm tốn". Ảnh: Washington Post
Là một tổng thống, ông Trump đã tiếp tục cho thấy ông dễ dàng nổi giận khi bị chỉ trích. Và ông thích nhận công lao về mình. Câu tweet đầu tháng này tỏ ý hài lòng trước căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar là một ví dụ điển hình. Ông Trump tuyên bố hai nước đối đầu vì trước đó ông đã yêu cầu các nước Vùng Vịnh ngừng cấp tiền cho các nhóm cực đoan dù điều này được giới phân tích cho là không đúng.
Những câu tweet của Trump cũng thể hiện ông dễ nổi cáu khi nghe đến cuộc điều tra Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm ngoái, nhất là khi nghe ai đó chê bai thắng lợi của ông. Và một nước thù địch có thể khai thác điểm yếu đó. Để lấy lòng Trump, họ có thể giả vờ mỉa mai cuộc điều tra trên.
Càng viết nhiều, càng lộ điểm yếu
Những nội dung ông Trump không nhắc đến cũng cho thấy nhiều điều. Chẳng hạn, phải gần 23 giờ trôi qua kể từ lúc tàu USS Fitzgerald va chạm với một tàu hàng ngoài khơi Nhật Bản (23h30 ngày 16/6), tổng thống Mỹ mới viết một tweet về vụ việc vào 21h08 tối hôm sau.
Đây là vụ tai nạn thương vong lớn nhất trên biển của Hải quân Mỹ kể từ khi tàu USS Cole ở Yemen bị đánh bom khủng bố năm 2000. Thông thường, tổng thống phải nhanh chóng phát biểu khi có nhiều quân nhân thiệt mạng. Với ông Trump, giới tình báo sẽ chú ý sự mâu thuẫn này khi so sánh với các chính quyền trước và tìm ra nguyên nhân sâu hơn.
Có phải Trump giao hết việc cho bộ trưởng Quốc phòng nên để cho bộ trưởng lên tiếng trước? Hay có điều gì làm ông chú ý hơn trong 23 giờ đồng hồ đó mà phải ưu tiên hơn?
Giữa vụ va chạm và tuyên bố đầu tiên về vụ việc, Trump đăng video ông phát biểu về chính sách Cuba mới, một ảnh ông ký bản ghi nhớ với Cuba và dẫn lại lời hứa tranh cử của mình về Cuba. Trump cũng dẫn lại lời của Sean Hannity, người dẫn chương trình ở Fox News, để quảng bá cho một show mới nói về "Thế lực ngầm - đồng minh của báo chí" đang muốn phá hoại Trump.
Trên Twitter, ông Trump dường như nghĩ gì viết nấy, và cũng không che giấu sự nóng nảy. Ảnh: Reuters.
Tất nhiên, tổng thống truyền tải các dự định có thể có lợi cho ngoại giao của nước Mỹ. Nhờ vậy các đồng minh và các nước thù địch đều biết chính quyền này sẽ làm gì.
Tuy vậy, trong trường hợp của Trump, những dòng tweet của ông không có tác dụng đó. Tổng thống thường xuyên nói ngược lại với các cố vấn, còn giới tình báo càng có nhiều để phân tích.
Tháng trước, ông Trump viết tweet rằng các quan chức dưới quyền "không thể" mô tả chính xác những kế hoạch của ông. Tại sao lại không thể? Có phải Nhà trắng không biết cách thống nhất các phát ngôn? Hay ông Trump tự quyết mọi thứ, bất chấp nội các của mình nói gì?
Các chính sách đối nội và đối ngoại đòi hỏi các cơ quan phối hợp, nhưng ông Trump lại bắt chính phủ phải chạy theo mình - sự việc lại được phơi bày ngay trên trang chủ Twitter của ông.
Các phân tích viên có thể gặt hái thông tin về giờ ngủ của ông Trump dựa vào thời điểm mà ông tweet, những vấn đề nào làm ông thức, liệu ông căng thẳng hay không và đang cảm thấy ra sao.
Twitter thường tiết lộ ông Trump đang xem gì trên TV, và khi nào ông theo dõi thời sự, kể cả trên website nào. Dựa vào đó, chính phủ các nước có thể chọn hình thức truyền thông nào để ảnh hưởng lên Tổng thống Trump.
Những câu tweet bị xóa đi cũng đáng quan tâm. Ông Trump chủ yếu xóa tweet vì lỗi chính tả, sau đó sửa rồi đăng lại. Với giới tình báo, điều này xác nhận ông Trump không thông qua những cố vấn của mình, và tweet của ông trực tiếp thể hiện suy nghĩ trong đầu.
Giới phân tích cũng có thể dùng công nghệ phân tích nội dung, hiện đại hơn so với những công cụ nguồn mở mà các tòa báo đang sử dụng. Họ có thể so sánh các câu tweet của Trump với thông tin thu được từ các nguồn khác.
Công nghệ này có thể phân tích phát ngôn xem khi nào ông Trump tự tin và khi nào thiếu tự tin về chính sách. Máy tính có thể phân tích và so sánh các dòng tweet của ông Trump với lịch làm việc công khai, tạo ra một cơ sở dữ liệu ông đang có thể đang làm gì ở nhiều thời điểm. Mọi thông tin trên mạng đều có ích cho việc phân tích.
Ông Trump đổ lỗi cho báo chí buộc ông phải dùng Twitter nhiều như vậy. Các cố vấn rõ ràng muốn ông dừng lại, nhưng tổng thống rõ ràng muốn vứt bỏ mọi kiểm soát trong phát ngôn. May mắn cho ông, công nghệ cho phép ông nói với người theo dõi của mình bất cứ lúc nào. Không may cho những người còn lại, giới tình báo các nước cũng đang chầu chực.