Vietbf.com - Theo như tiết lộ nếu muốn thống nhất hai miền Nam Bắc phải trả một cái giá rất đau đớn và đắt đỏ, sau 70 năm chia cắt, Triều Tiên và Hàn Quốc, vì việc thống nhất bán đảo Triều Tiên thống nhất, Hàn Quốc sẽ phải trả ít nhất 10 nghìn tỷ USD.
Khu vực biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Ảnh: AP
Theo chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Quốc gia Úc, ông Leonid Petrov, việc thống nhất hai miền Triều Tiên sẽ cần tới ít nhất 10 nghìn tỷ USD. Trong đó, chi phí trước mắt của việc thống nhất có thể lên đến 3 nghìn tỷ USD, và sẽ thêm 7 nghìn tỉ USD nữa trong 10 năm đầu tiên.
Tiến sĩ Petrov đánh giá rằng sự thống nhất bán đảo Triều Tiên sẽ có lợi cho Hàn Quốc vì phía Bắc rất giàu tài nguyên thiên nhiên và có lực lượng lao động tốt.
Tuy nhiên, kịch bản thống nhất cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực, vì khoảng cách về mặt tư tưởng, xã hội và văn hoá giữa hai nước là rất lớn.
"Sự thống nhất năm 1989 của Đức đã mất chi phí khoảng 2 nghìn tỷ đô la. Nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất, Hàn Quốc sẽ phải trả 3 nghìn tỷ USD ban đầu để nước nghèo ở phía Bắc tái hợp với nước giàu hơn ở miền Nam", Petrov nói.
Tuy nhiên, Petrov cũng nói thêm rằng sự thống nhất bán đảo càng diễn ra muộn thì sẽ càng ít tốn kém. Bởi vì, mặc dù bị tác động từ các lệnh trừng phạt nhưng kinh tế Triều Tiên đang hồi phục từ cuộc khủng hoảng vào những năm 1990.
Khi được hỏi nếu thống nhất bán đảo thì Triều Tiên sẽ mất bao lâu để có thể thích nghi với nền kinh tế phát triển hơn của Hàn Quốc, tiến sĩ Petrov cho rằng cả quá trình [hợp tác từ trước tới nay] đã một phần nào đó giúp miền Bắc thích nghi rồi.
Petrov đề cập tới rất nhiều dự án du lịch mà hai nước cùng hợp tác trong một thập kỷ qua khi thực hiện "chính sách Ánh Dương".
Hai vị Tổng thống của Hàn Quốc đã từng tới Bình Nhưỡng để thảo luận về sự phát triển kinh tế của bán đảo, bao gồm phát triển các cảng biển, đường sắt, đường bộ và thậm chí cả khả năng kéo điện lưới từ Nga sang bán đảo Triều Tiên.
"Thật không may, "chính sách Ánh Dương" đã bị gián đoạn từ năm 2008 và từ đó hai nước đã đóng băng quan hệ song phương", Petrov nói.
Từ 2008, Hàn Quốc và Triều Tiên không còn hợp tác ở nhiều lĩnh vực và các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã không có cơ hội được đoàn tụ.
Theo ông Petrov, khoảng thời gian 70 năm chia cắt đã tạo ra hai đất nước khác biệt trên bán đảo Triều Tiên, và "cái giá để thống nhất sẽ rất đau đớn và đắt đỏ".
Với tình hình căng thẳng hiện tại giữa Bình Nhưỡng và Washington, cùng với ảnh hưởng của sự căng thẳng này tới quan hệ hai miền Triều Tiên, Petrov nhận định rằng Bình Nhưỡng sẽ vẫn cố gắng dựa vào điểm tựa là hệ thống tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình.
Về phía Trung Quốc, nước này đã cho biết có thể sẽ không can thiệp trong trường hợp một vài cơ sở hạt nhân của Triều Tiên bị tấn công, và điều này làm Bình Nhưỡng khá lo ngại.
Petrov vẫn nghi ngờ khả năng lãnh đạo Kim Jong Un hoặc bất cứ thành viên nào trong chính phủ của ông thực sự muốn làm cho căng thẳng lên tới đỉnh điểm. Petrov tin rằng ngoại giao cuối cùng sẽ là giải pháp hiệu quả và một cuộc chiến tranh hạt nhân là có thể tránh được.
"Ngay lúc này, Mỹ đang xúc tiến những cuộc đàm phán lần thứ hai với Bình Nhưỡng và đây là hy vọng cho việc sẽ tránh được một cuộc chiến tranh".
Cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng đã leo thang mạnh mẽ trong tuần qua, với việc Triều Tiên đe dọa tấn công đảo Guam bằng tên lửa, đáp trả tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Mỹ sẽ phản ứng với những lời thách thức bằng "hỏa lực và sự thịnh nộ"