Từ lâu túi nilon đã được cảnh báo gây nguy hại cho sức khoẻ của con người. Tuy nhiên nhiều quốc gia vẫn sử dụng túi nilon như một thói quen và tiện lợi. Nhưng ở Kenya thì lại khá đặc biệt, nếu vi phạm lệnh cấm túi nilon ở nước này sẽ bị xử phạt rất nặng.
Theo Aljazeera, Kenya ngày 28/8 đã chính thức áp dụng lệnh cấm sử dụng, sản xuất các loại túi bóng (túi nilon), và nhập khẩu nhựa để sản xuất túi bóng. Trường hợp ngoại lệ là các loại túi bóng được dùng cho mục đích công nghiệp.
Mức phạt tối thiểu là 19.000 USD (khoảng 432 triệu đồng) và tối đa là 38.000 USD hoặc 4 năm tù giam. Đây được coi là mức xử phạt nghiêm khắc nhất thế giới, theo The Guardian.
Quốc gia châu Phi này đã phải mất 10 năm, với 3 lần nỗ lực mới có thể thông qua lệnh cấm này nhằm đối phó với các vấn đề môi trường do sử dụng túi nilon.
Chỉ tính riêng các siêu thị ở Kenya, hàng năm có khoảng 100 triệu túi bóng được đưa ra sử dụng, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc.
Chính phủ Kenya cho biết những chiếc túi nilon làm tổn hại đến môi trường, làm tắc nghẽn cống rãnh và không phân hủy được. Nhiều túi trôi dạt ra biển, khiến các động vật ăn nhầm túi bóng bị tắc ruột và chết vì đói.
“Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này, thì đến năm 2050, chúng ta sẽ có nhiều nhựa ở đại dương hơn là cá”, The Guardian trích lời của ông Habib El-Habr, một chuyên gia về rác thải biển làm việc với chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc ở Kenya.
Ông Samuel Matonda, phát ngôn viên của Hiệp hội các nhà sản xuất Kenya, nói rằng lệnh cấm sẽ làm tổn hại 60.000 việc làm và buộc 176 nhà sản xuất phải đóng cửa. Kenya là nước xuất khẩu túi nilon chủ yếu tại khu vực, theo The Guardian.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Judi Wakhungu tuần trước cho biết sẽ có thêm việc làm từ hoạt động sản xuất các loại túi từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Trước Kenya, một số quốc gia châu Phi khác cũng đã thông qua hoặc công bố các lệnh cấm tương tự, như Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Mauritania and Malawi.