Mỹ đã trải qua hai cơn bão khủng khiếp nhất trong vòng thế kỷ qua. Để kịp thời đưa tin đến bạn xem truyền hình, nhiều phóng viên đã liều mình để đưa tin. Có cần phải như thế không?
Hình ảnh phóng viên thời tiết Mỹ đứng giữa trời mưa bão để đưa tin làm dấy lên tranh luận về sự cần thiết của hành động này.
Nhóm phóng viên truyền hình Mỹ đứng tại một con phố ngập nước ở Miami để đưa tin bão Irma đổ bộ vào bang Florida vào ngày 10/9. Ảnh: AP.
Bão Irma đổ bộ vào bang Florida, Mỹ, ngày 10/9. Florida Keys, quần đảo san hô chạy dài hơn 190 km, ngoài khơi phía nam Florida, trở thành nơi hứng trọn sức mạnh của bão với những đợt gió giật lên tới 209 km/h.
Đúng thời điểm đó, Bill Weir, phóng viên kênh CNN, có mặt tại Key Largo trên đảo để đưa tin về bão. Qua cầu truyền hình trực tiếp, khán giả có thể thấy Weir gần như không thể đứng vững trước các đợt gió dồn dập, thậm chí, có lúc anh bị gió quật ngã.
Hình ảnh đó châm ngòi cho một cuộc tranh luận trên mạng xã hội Mỹ. Nhiều người đặt câu hỏi liệu phóng viên có nhất thiết phải "xông pha" đứng giữa trời mưa to gió lớn để đưa tin không? Thậm chí, một số còn nghi vấn phóng viên cố ý "làm màu", theo New York Times.
"Tại sao các hãng tin thấy cần thiết phải cử phóng viên ra hiện trường như thế?", một người bình luận trên mạng xã hội Twitter.
"Việc này không an toàn và tạo gương xấu", một người khác chỉ trích.
Nhiều người chỉ ra rằng phóng viên thời tiết đứng ở những địa điểm mà chính quyền khuyến cáo người dân "không được tới". Và chính biên tập viên của CNN cũng phải thừa nhận rằng "công chúng đã đưa ra lập luận rất có lý để cho thấy đứng giữa trời bão không phải là một việc làm thông minh".