Hôm qua 16/10, Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) đã công bố một khảo sát về Trung Quốc. Thật buồn cho Trung Quốc với kết quả là đa số các nước Châu Á Thái Bình Dương không có thiện cảm về sức mạnh quân sự gia tăng và sự chi phối của Trung Quốc đối với họ.
Một bảng hiệu chào mừng Đại hội đảng lần thứ 19 của Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Sức mạnh và chi phối
Khảo sát Thái độ Toàn cầu 2017 của Pew cho thấy dù sức mạnh và sự chi phối của Trung Quốc không được xem là mối đe dọa hàng đầu trên toàn cầu, nhưng lại là mối quan ngại chính của nhiều nước Châu Á-Thái Bình Dương.
Bên ngoài khu vực, trung bình 10 người được hỏi, chỉ có gần 3 người (27%) xem sức mạnh và sự chi phối của Trung Quốc là mối đe dọa chính cho quốc gia của họ.
Trong khi đó, giữa 7 nước Châu Á-Thái Bình Dương được khảo sát (Úc, Nhật, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Ấn Độ) trung bình cứ 10 người được hỏi thì có gần phân nửa (47%) coi Trung Quốc là mối đe dọa chính.
Trong số này, dân Việt Nam (80%) và Hàn Quốc (83%) xem sức mạnh và sự ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với đất nước.
Sức mạnh quân sự
Về lĩnh vực quân sự, 90% người Việt Nam được hỏi trả lời rằng sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc là ‘một điều xấu’ cho đất nước của họ. Tỷ lệ có cùng nhận xét như thế ở Nhật là 90% và ở Hàn Quốc là 93%.
Đa số trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Ngân sách quân sự chính thức của Bắc Kinh trong thập niên qua mỗi năm tăng chừng 9%, và rất ít nước láng giềng hoan nghênh mức tăng này.
Kinh tế
Trong số các nước Châu Á-Thái Bình Dương có quan điểm tiêu cực về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam dẫn đầu, với tỷ lệ 64% người được hỏi cho rằng kinh tế tăng trưởng của Trugn Quốc là một ‘điều xấu’ cho đất nước của họ. Dân Úc (70%) tỏ ra lạc quan nhất về kinh tế Trung Quốc trong số các nước tham gia khảo sát.
Châu Á-Thái Bình Dương cũng là một trong những khu vực có nhiều người cho rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng chứng tỏ có ít lòng tin vào Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình.
Đáp câu hỏi về các vấn đề của thế giới, bạn tin tưởng bao nhiêu rằng ông Tập hành xử đúng, cứ 10 người Việt Nam được khảo sát thì hơn 7 người (74%) chọn câu trả lời ‘Chẳng tin tưởng chút nào cả’ trong khi 81% dân Nhật cũng bày tỏ thái độ tương tự.
Nhìn chung, chỉ 34% dân ở Châu Á-Thái Bình Dương chọn câu trả lời ‘Tin tưởng nhiều’ hoặc ‘Có chút tin tưởng.’
Tại Ấn, Nhật, Việt Nam và Philippines, dân chúng có mức tin tưởng với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trái lại, ở hai nước có hiệp ước đồng minh với Mỹ, Úc và Hàn Quốc, người dân lại có lòng tin ở ông Tập nhiều hơn ông Trump.
Therealtz © VietBF