Sáng nay Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15, lần đầu Bắc Kinh lên tiếng mạnh mẽ ngay sau đó. Theo đó thì Bắc Kinh phản đối kịch liệt việc làm nguy hiểm này và kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng ngay các hành động khiêu khích trước khi quá muộn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa đạn đạo. Ảnh minh họa: KCNA.
"Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể tăng cường đối thoại để giải quyết vấn đề", SCMP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay tuyên bố. Bắc Kinh "lo ngại sâu sắc" trước vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hoạt động mang tính khiêu khích.
Triều Tiên sáng sớm nay phóng một quả ICBM Hwasong-15 sau 75 ngày "im hơi lặng tiếng", chấm dứt tranh cãi về những lý do nước này không thử tên lửa trong hơn hai tháng. Quả đạn đạt độ cao 4.475 km, tầm xa 960 km và thời gian bay 54 phút, được coi là tên lửa bay cao nhất và có tầm bắn xa nhất của Bình Nhưỡng.
"Nếu bay ở quỹ đạo chuẩn thay vì phóng ở góc cao, tên lửa này sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km", chuyên gia David Wright của Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) nói. "Tên lửa như vậy thừa sức vươn tới thủ đô Washington của Mỹ và trên thực tế có thể tấn công bất kỳ khu vực nào trên lục địa Mỹ".
Vụ thử tên lửa Hwasong-15 đánh dấu bước phát triển lớn trong chương trình ICBM Triều Tiên, dù nước này chưa thể chứng minh khả năng làm chủ công nghệ hồi quyển và chế tạo ICBM mang được đầu đạn hạng nặng ở khoảng cách lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng loại tên lửa này có thể "đe dọa mọi địa điểm trên thế giới".
Giới chuyên gia nhận định sự xuất hiện của Hwasong-15 sẽ thay đổi đáng kể tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên. "Điều này có nghĩa là Triều Tiên gần đạt được khả năng tấn công và răn đe hạt nhân", ông Cai Jian, giám đốc trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại đại học Phục Đán cho biết. Vụ thử tên lửa Hwasong-15 sẽ làm gia tăng căng thẳng, khiến cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ trước động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Tầm bắn bao trùm lãnh thổ Mỹ của tên lửa Hwasong-15. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ.
Tuy nhiên, sự kiện này cũng làm giảm nguy cơ nổ ra xung đột quân sự quy mô lớn, cũng như hạn chế khả năng xảy ra đòn tấn công quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng trong dài hạn. "Tiềm lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng phát triển của Triều Tiên giúp họ có lợi thế đàm phán, thúc đẩy Mỹ tìm kiếm giải pháp ngoại giao thay vì quân sự", ông Cai khẳng định.
Trong 75 ngày không thử tên lửa, Bình Nhưỡng dường như đã theo dõi chặt chẽ chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm đánh giá khả năng chính quyền Mỹ thay đổi chính sách với bán đảo Triều Tiên. Vụ thử tên lửa Hwasong-15 diễn ra chỉ một tuần sau khi Mỹ xếp Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, việc gia tăng áp lực có thể chỉ khiến nước này thêm quyết tâm và đẩy mạnh quá trình phát triển khả năng răn đe nhằm vào Washington, giới chuyên gia nhận định.
Therealtz © VietBF