Trước chiến thắng đầy tự hào của đội tuyển U23 Việt nam. Bầu Kiên ở trong tù vẫn nhắn vợ gửi 500 triệu đồng cho Bầu Đức để thưởng U23. Nếu U23 Việt nam vô địch Châu Á, hãy đại xá cho Bầu Kiên.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Bầu kiên vẫn đang bị giam giữ trong tù ( người bên trái)
Ông Đoàn Nguyên Đức - Bầu Đức cùng huấn luyện viên đội U23 Việt Nam Park Hang Seo
Kỳ tích U23 Việt nam đạt được hôm qua, là nối tiếp những thành công của các tuyển trẻ Việt nam trong mấy năm gần đây U16 vào bán kết U16 Châu á 2016, U19 vào bán kết U19 Châu Á 2016 và chung kết U20 World Cup 2017. Nhìn vào những thành tích này, không thể nói các tuyển trẻ Việt nam "ăn may", mà kết quả của một quá trình "đào tạo trẻ, chuyên nghiệp".
Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã nói rất chính xác, công đầu phải kể đến các Bầu Kiên, Bầu Đức, Bầu Thắng là những doanh nhân tiên phong đầu tư vào bóng đá chuyên nghiệp, trong đó có bóng đá trẻ. Tôi nói thêm, cần kể cả Bầu Hiển, cho dù Bầu Hiển tham gia bóng muộn hơn đôi chút, nhưng khá bài bản.
Bầu Kiên (sinh năm 1964) tức nhà tài phiệt Nguyễn Đức Kiên, đã tham gia đầu tư bóng đá từ năm 2000. Ông trực tiếp điều hành các đội bóng, thậm chí nhiều khi xuống sân "chỉ đạo" như một huấn luyện viên. Nhưng các đội bóng của ông thi đấu khá "trầy trật", thường xuyên lên xuống hạng. Ông chủ trương "bóng đá sạch". Cuộc "cách mạng bóng đá" do chính ông tiến hành, bắt đầu khi ông cướp micro phát biểu 30 phút như một nhà hùng biện tài ba trong một hội nghị về bóng đá năm 2011, dẫn đến thành lập công ty cổ phần bóng đá VPF, nhà điều hành V-leage (giải vô địch bóng đá quốc gia Việt nam). Cuộc chiến VPF-AVG về bản quyền truyền hình bóng đá do Bầu Kiên phát động gây náo loạn bóng đá Việt năm 2012, VPF sau dó giành được bản quyền này (sau khi AVG tuyên bố nhường, dù về pháp lý đủ cơ sở). Đáng tiếc, Bầu Kiên bị bắt tháng 8/2012 với những tội danh áp đặt cho ông. Đối với hầu hết các luật sư, nhà đầu tư kinh doanh, ông vô tội, ông chỉ là "nạn nhân" của sự "mạnh bạo mồm miệng và hành động từ chính ông", vì không phải là "sân sau" của bất cứ ai. Nếu Bầu Kiên còn tham gia bóng đá Việt, tôi dám chắc, Bóng đá Việt đã phát triển vượt bậc, vì tầm nhìn lẫn tài ba huy động tài trợ của Bầu Kiên. Nếu Việt nam vô địch U23 Châu Á, theo tôi bên cạnh tặng những huân chương cao quý cho các cầu thủ và huấn luyện viên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể "đặc ân" ân xá cho Bầu Kiên!
Bầu Đức (sinh năm 1962) tức chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, làm ông chủ bóng đá từ năm 2001, với câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, câu lạc bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của Việt nam. Sau khi đoạt hai chức vô địch quốc gia với những cầu thủ đắt giá (trong đó có cẩu thủ nổi tiếng Thái Kiatisuk), năm 2007 ông mở học viện bóng đá HAGL Arsenal - JMG tại Pleiku. Ông cũng xây dụng sân vận đông tại tỉnh lẻ Gia lai thành một trong vài sân bóng đá đủ tiêu chuẩn quốc tế ở Việt nam. Nhiều cầu thủ của học viện JMG này trở thành những cầu thủ chủ chốt của các tuyển trẻ Việt nam, các em cũng học theo những tiêu chuẩn quốc tế, giỏi ngoại ngữ, biết giữ nghề. Riêng đội hình U23 Việt nam hiện tại đang có 6 cầu thủ HAGL (hoặc học từ học viện JMG) gồm Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Văn Toàn, Châu Ngọc Quang, Nguyễn Phong Hồng Duy, Vũ Văn Thanh. Đặc biệt, bầu Đức đã có công quyết định chiêu mộ huấn luyện viên Park Hang Seo, người đã dẫn dắt đội hình U23 Việt nam "tan nát" trong Seegames mấy tháng trước lập kỳ tích vào chung kết U23 Châu Á, sau 3 tháng cầm quân.
Bầu Thắng (sinh năm 1967) tức ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch Công ty Cổ phần Đồng Tâm, cựu Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Bóng đá Chuyên nghiệp VPF (từ 2011 đến gần đây), làm ông chủ bóng đá từ năm 2001. Câu lạc bộ Đồng Tâm Long An của ông hai lần đoạt vô địch bóng đá quốc gia. Cá nhân ông tuy gặp khó khăn trong kinh doanh, đầu tư nhưng vẫn nhiệt huyết với bóng đá Việt, cố gắng chèo thuyền VPF sau sự cố Bầu Kiên bị bắt. Năm 2008, ông đã tiến cử huấn luyện viên Calisto người Bồ Đào Nha (HLV đã giúp câu lạc bộ của ông đoạt hai chức vô địch quốc gia) cho đội tuyển Việt nam và năm đó đội tuyển quốc gia Việt nam đã đoạt chức vô địch Đông Nam Á, thành tích bóng đá cao nhất của Việt nam từ trước cho đến nay.
Ba ông bầu trên đều là những "đại gia" lừng lẫy trên thương trường hơn 10 năm trước. Có thể nói họ đã "hy sinh" vì bóng đá. Nếu không tham gia bóng đá, Bầu Kiên có thể vẫn là nhà tài phiệt lớn nhất Việt nam. Bầu Đức và Bầu Kiên hiện vẫn vất vả trên thương trường, sau khi họ lao tâm khổ tứ vì bóng đá, đã chi hàng trăm tỷ đồng cho bóng đá. Họ rất đáng vinh danh "vì sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp" của Việt nam.
Bầu Hiển (sinh năm 1962), tức ông Đỗ Quang Hiển, chủ tập đoàn T &T và chủ ngân hàng SHB. Bầu Hiển lập đội bóng từ 2006 và đến 2009 dẫn dắt đội T&T lên hạng chuyên nghiệp. Bầu Hiển đã trở thành thế lực trong bóng đá Việt, với việc thực tế cầm chịch (dưới hình thức này hay hình thức khác) tới 4, 5 đội bóng của Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt nam, trong đó ngoài T&T có SHB Đà Nẵng, Quảng Nam FC. Ba đội bóng này đã thay nhau thâu tóm 6 trong 9 cúp vô địch Quốc gia từ 2009 đến nay. Theo tôi, Bầu Hiển dù bỏ rất nhiều công sức cho bóng đá Việt, nhưng việc ông nắm nhiều đội bóng ở giải chuyên nghiệp là một nguyên nhân khiến giải này èo uột, thiếu lửa và càng ngày ít người xem, đồng thời vi phạm luật FIFA (cấm một ông chủ kiểm soát từ hai đội bóng trở lên trong một giải đấu). Nhiều đại gia Việt muốn nhảy vào bóng đá chuyên nghiệp chùn bước, ngán ngẩm vì khó có thành tích cao ở giải này, khi phải đối đầu mấy đội của Bầu Hiền. Khả năng các đội này thay nhau "chia sức" chiến "đội có tiềm năng" và khi cần chia hay nhường điểm khiến Bầu Hiển thành một mình một chợ ở giải V- Leage. Mặc dầu vậy, cần ghi nhận Bầu Hiền đã chịu khó đầu tư cho bóng đá trẻ, góp nhiều cầu thủ cho các tuyển trẻ. Trong danh sách U23 hiện nay, có 6 cầu thủ của Hà nội (đội T&T Hà nội trước đây do bầu Hiển nắm), trong đó có "sát thủ" Nguyễn Quang Hải và Đỗ Duy Mạnh và 2 của SHB Đà Nẵng, trong đó có Hà Đức Chính.
Để bóng đá Việt phát triển bền vững, có lẽ Bầu Hiển cần vận động Bầu Long (chủ tịch tập đoàn Hoà phát, trước đây có CLB Hoà phát, nhưng vì bức xúc tiêu cực bóng đá đã bỏ cuộc chơi), Bầu Vượng (hiện có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VPF ngang ngửa với JMG của Bầu Đức, đang thuê những cựu cầu thủ hàng đầu bóng đá Anh điều hành và huấn luyện) và các tỷ phú đô la khác nhận lại các đội bóng sẵn có của ông, ngoài một đội ông giữ lại.
Về việc các tỷ phú đô la Việt cần nhận trách nhiệm biến giấc mơ tham gia World Cup của gần trăm triệu người dân Việt thành hiện thực, trong tương lai gần (2022-2030), tôi sẽ có bài viết riêng.
Mừng chiến thắng U23 Việt nam vào chung kết Vô địch U23 Châu á, một lần nữa xin cám ơn công của Bầu Kiên, Bầu Đức, Bầu Thắng và Bầu Hiển. Hãy đại xá cho Bầu Kiên, nếu U23 Việt nam vô địch Châu Á.
PS: Một bạn cho biết Trung tâm VPF của Bầu Vượng cũng cung cấp 3 tuyển thủ cho U23 (Bùi Tiến Dụng, em thủ môn Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chính của SHB, Trương Văn Thái Quý). Xin cám ơn Bầu Vượng, nhưng nhiệm vụ của Bầu Vượng không chỉ trong "chảo Châu Á", mà hỗ trợ bóng đá Việt nam có mặt và đạt thành tích ở World Cup và Olympic.
Bầu Kiên nghe tin kỳ tích của U23, từ trong tù nhắn vợ gửi 500 triệu đồng cho Bầu Đức để thưởng U23, một tấm lòng yêu bóng đá Việt vô bờ bến và hiếm có!