Tổ lái oanh tạc cơ B-1B Lancer Mỹ đã phải đối mặt với cái chết khi đang bay thì cháy cánh và ghế thoát hiểm không hoạt động. Vụ việc xảy ra hôm 1/5 nhưng ngày 20/6 mới được Mỹ công bố thông tin.
Cửa thoát hiểm biến mất trên chiếc B-1B gặp sự cố hôm 1/5. Ảnh: Aviationist.
Bộ trưởng không quân Mỹ Heather Wilson hôm 20/6 công bố thông tin liên quan đến vụ oanh tạc cơ B-1B Lancer số hiệu 86-0109 gặp sự cố, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Midland, bang Texas hôm 1/5. Bà khẳng định tổ lái đã trải qua 25 phút kinh hoàng và chỉ thoát nạn nhờ những quyết định dũng cảm được đưa ra trong vài giây, theo Defense News.
Chiếc B-1B xuất phát từ căn cứ không quân Dyess để thực hiện bài huấn luyện ném bom. Tổ lái gồm một phi công hướng dẫn và các học viên mới tốt nghiệp trường huấn luyện không quân chưa đầy một năm.
Sau khi tổ lái chiếc oanh tạc cơ hoàn thành bài thực hành ném bom, đèn báo cháy trên khoang lái bỗng nhiên bật sáng, cảnh báo có cháy ở cánh máy bay. Cánh là nơi chứa nhiên liệu cho máy bay nên bất cứ sự cố cháy nào ở vị trí này đều rất nguy hiểm.
Hai phi công thực hiện mọi biện pháp dập lửa được quy định trong tài liệu hướng dẫn vận hành, nhưng vẫn liên tục nhận tín hiệu báo cháy. Theo quy trình tiêu chuẩn của không quân Mỹ, tổ lái sẽ phải phóng ghế thoát hiểm nếu các phương án dập lửa không có tác dụng.
Tổ lái thực hiện đúng quy trình và nhấn nút phóng ghế thoát hiểm. Các thành viên tổ lái không thoát ly khỏi máy bay cùng lúc, nhằm tránh nguy cơ va chạm khi phóng ra ngoài. Các phi công thực hiện quy trình thoát hiểm cuốn chiếu với bầu không khí hết sức căng thẳng, bởi đây là hành động đầy rủi ro.
Sau khi người đầu tiên kéo cần phóng ghế, cửa thoát hiểm bên trên buồng lái bung ra nhưng ghế thoát hiểm vẫn ở nguyên vị trí, không được kích hoạt. Tình huống này đặt phi công hướng dẫn trước hai lựa chọn: Tiếp tục để những người khác thoát hiểm, bỏ lại phi công mắc kẹt trên máy bay, hoặc tìm cách đưa toàn bộ tổ lái cùng máy bay hạ cánh khẩn cấp.
Sau vài giây suy tính, phi công hướng dẫn quyết định dừng quy trình phóng ghế và tìm cách hạ cánh khẩn cấp.
Phi công vừa kéo ghế phóng được lệnh ngồi yên cho tới khi hạ cánh. Thời gian 25 phút từ khi gặp sự cố tới khi máy bay chạm đất cực kỳ căng thẳng, do tổ lái không thể biết liệu chiếc ghế có bị kích hoạt khi máy bay rung lắc vì nhiễu động hay không. Điều này được ví như rút chốt lựu đạn và giữ chặt mỏ vịt, không biết lúc nào nó sẽ trượt khỏi tay và phát nổ.
Quyết định ngừng phóng ghế thoát hiểm cũng thể hiện bản lĩnh của phi công chỉ huy, khi tìm cách đưa chiếc Lancer trở về an toàn và chấp nhận rủi ro thiệt mạng cùng toàn bộ tổ lái nếu thất bại, thay vì hy sinh người đồng đội không thể phóng ghế thoát hiểm.
Chiếc Lancer sau đó hạ cánh an toàn tại sân bay Midland mà không có ai bị thương. Nguyên nhân sự cố vẫn đang được điều tra, nhưng không quân Mỹ đã phải đưa ra lệnh cấm bay với toàn bộ lực lượng B-1B trong hơn một tháng.
Oanh tạc cơ B-1B Lancer từng gặp vấn đề với ghế phóng thoát hiểm, dẫn tới tai nạn chết người trong quá khứ. Ngày 29/9/1987, một chiếc Lancer đâm phải chim và bốc cháy khi bay thử nghiệm ở bang Colorado. Phi công kích hoạt ghế phóng tự động, nhưng một chiếc bị hỏng khiến chỉ có ba người thoát ra khỏi máy bay. Một thành viên tổ lái và hai phi công khác không thể thoát hiểm đã thiệt mạng trong sự cố.
Therealrtz © VietBF