Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 19/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đang tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) khi trả lời phóng viên.
Bà Hằng cho biết theo quy định, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn.
“Hiện nay, Việt Nam và các nước thành viên đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn CPTPP phù hợp với các quy định của pháp luật từng nước để sớm đưa hiệp định vào triển khai, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa các nước thành viên và đóng góp cho tăng trưởng liên kết kinh tế khu vực”, bà Hằng tuyên bố.
“Theo chúng tôi được biết, hiện nay Bộ Công thương đang hoàn thiện hồ sơ để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay”, Người phát ngôn cho biết.
Về việc mở rộng các nước thành viên của CPTPP, Người Phát ngôn khẳng định đây là hiệp định thương mại tự do FTA mở. Theo đó, các nước có thể tham gia sau khi Hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở có sự chấp nhận các tiêu chuẩn và được các nước thành viên CPTPP đồng thuận.
Theo NHK, ngày 18/7, trưởng đoàn đàm phán 11 nước tham gia CPTPP đã nhóm họp tại Hakone, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản nhằm thúc giục các quốc gia nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để thông qua hiệp định và trao đổi về việc mở rộng các quốc gia thành viên.
Ngày 19/7, Channel NewsAsia dẫn thông cáo của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) hôm 19/7 cho biết nước này đã phê chuẩn hiệp định tự do thương mại với sự tham gia của 11 nước, trong đó có Việt Nam.
Các cuộc đàm phán CPTPP, tiền thân là TPP (Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương), kết thúc hôm 23/1 tại Tokyo, Nhật, và được ký kết vào ngày 8/3 tại Santiago, Chile.
TPP ban đầu từng được kỳ vọng tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Washington khỏi hiệp định, buộc 11 nước còn lại phải tái đàm phán để cho ra đời phiên bản mới mang tên CPTPP. Hiện hiệp định đang trong trong trải qua quá trình phê chuẩn tại mỗi nước thành viên.
Therealrtz © VietBF