Hay bị hôi miệng thì đây chính là những giải pháp hữu ích dành cho bạn. Đây là nỗi khổ khó nói của rất nhiều người. Hy vọng những giải pháp dưới đây sẽ giúp bạn tự tin trong giao tiếp.
Hơi thở hôi, hay còn được gọi là "chứng hôi miệng" là một vấn đề sức khỏe khá phổ biến trên toàn cầu, cứ 4 người thì sẽ có 1 người mắc phải. Chứng bệnh này có thể gây mất tự tin, ảnh hưởng đến những người xung quanh, ảnh hưởng tâm lý và lâu dần có thể dẫn đến những vấn đề răng miệng cũng như sức khỏe khác. Hãy cùng thực hiện ngay loạt giải pháp đơn giản dưới đây để hạn chế và loại bỏ hoàn toàn tình trạng hơi thở có mùi ra khỏi cuộc sống của bạn.
Vệ sinh răng miệng kỹ
Vệ sinh răng miệng kém là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng hôi miệng. Những mẩu thức ăn nhỏ luôn kẹt trong các khe kẽ của răng miệng và nếu không được làm sạch triệt để, chúng sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong nướu răng, răng và lưỡi, gây ra mùi hôi. Những phân tử của vài loại thực phẩm có mùi mạnh như hành tây, tỏi cũng có thể lưu lại rất lâu trong khoang miệng dù bạn đã đánh răng sau khi ăn.
Vệ sinh răng miệng kỹ càng là giải pháp hàng đầu để ngăn ngừa chứng hôi miệng. Quá trình vệ sinh răng miệng đầy đủ bao gồm đánh răng hai lần mỗi ngày, sử dụng chỉ nha khoa, làm sạch lưỡi, sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn và thay thế bàn chải đánh răng 3 tháng định kỳ.
Chữa trị những vấn đề về răng miệng
Những vấn đề về răng miệng như nha chu, sâu răng, nhiễm trùng, tích tụ mảng bám và khô miệng là nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng. Trong đó, khô miệng là nguyên nhân phổ biến nhất. Khi nước bọt không tiết ra đủ để làm ẩm và làm sạch khoang miệng, mảng bám và vi khuẩn sẽ dễ bị tích tụ trên răng, gây ra một loạt các bệnh về răng miệng và khiến hơi thở có mùi. Đến gặp nha sĩ ít nhất hai lần một năm để kiểm tra và chữa trị các vấn đề về răng miệng là điều cần thiết để giảm chứng hôi miệng.
Tránh xa rượu bia, thuốc lá, hạn chế cà phê
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong khoang miệng có khoảng 700 loại vi khuẩn, bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Số lượng giữa hai loại này thường cân bằng, tuy nhiên ở người thường uống rượu bia, số lượng vi khuẩn tốt sẽ thường ít hơn vi khuẩn xấu. Vi khuẩn xấu tăng lên gây nhiễm trùng khoang miệng, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề răng miệng, trong đó có hôi miệng.
Hút thuốc sẽ làm ám khói thuốc lên răng, gây ra hơi thở hôi, răng xỉn màu, kích ứng nướu và làm giảm khả năng cảm nhận hương vị thức ăn của vị giác trên lưỡi. Đối với cà phê thì đây không phải là một nguyên nhân trực tiếp gây hôi miệng, song chất caffeine trong cà phê dễ khiến miệng bị khô và gây ra hơi thở có mùi.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe
Các tình trạng sức khỏe khác như viêm phổi, nhiễm trùng xoang, viêm phế quản, tiểu đường, trào ngược dạ dày, các vấn đề về thận hoặc gan đều có thể gây ra hơi thở hôi. Chế độ ăn kiêng chứa ít carbohydrate hay ăn chay cũng có thể gây ra hôi miệng. Điều này là do trong quá trình phân hủy chất béo, một chất hóa học là xeton sẽ được sản sinh ra. Chất này vốn có mùi mạnh và gây ra tình trạng mùi cơ thể, trong đó có hôi miệng.
Ăn có chọn lọc
Một số thực phẩm rất tốt cho tình trạng hôi miệng như sữa chua làm tăng vi khuẩn có lợi, các loại rau củ giòn là táo, cà rốt, dưa chuột, cần tây có tác dụng như một chiếc "bàn chải" tự nhiên giúp loại sạch mảng bám trên răng và làm ẩm khoang miệng. Cam, quýt chứa nhiều vitamin C và có tác dụng ức chế sự phát triển của những loại vi khuẩn có hại trong miệng. Ngoài ra, một số loại thảo mộc như bạc hà, húng quế, rau mùi sống cũng rất tốt cho tình trạng hôi miệng do chúng có chứa diệp lục, giúp khử bớt mùi và đem đến hơi thở tươi mát hơn.
Bên cạnh những thực phẩm tốt cho răng miệng thì cũng có một số loại sẽ dễ làm tình trạng hôi miệng của bạn thêm trầm trọng. Bạn nên tránh những gia vị có tính mạnh như hành sống, tỏi, bột cà ri, thức ăn cay nóng, thực phẩm chứa nhiều đường…
Uống trà xanh và uống nhiều nước mỗi ngày
Trà xanh có tác dụng rất tốt đối với người bị hôi miệng do có tác dụng khử mùi và kháng khuẩn. Lý do là trong trà xanh có chứa polyphenol, có tác dụng chống oxy hóa và kháng khuẩn. Uống tối thiểu 3 ly trà xanh một ngày sẽ có tác dụng làm giảm đáng kể tình trạng hơi thở có mùi. Ngoài ra, bạn cũng nên uống nhiều nước để giúp khoang miệng luôn ẩm và loại bỏ tình trạng khô miệng, tích tụ mảng bám và hôi miệng.
Súc miệng với các nguyên liệu tự nhiên
Dù bạn có thể không ngờ tới, song trên thực tế có khá nhiều những nguyên liệu tự nhiên có tác dụng tích cực đến tình trạng hơi thở có mùi của bạn. Sử dụng những loại nguyên liệu này pha nước súc miệng mỗi ngày sẽ làm tăng sức khỏe răng miệng, hạn chế mùi hôi.
Nước muối ấm: Đây là một trong những biện pháp chăm sóc răng miệng cổ xưa và phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nước muối loãng có nhiệt độ ấm vừa phải có tác dụng tuyệt vời trong việc ngăn chặn sự tích tụ của các vi khuẩn gây mùi trong cổ họng và khoang miệng. Bạn nên súc miệng ngày hai lần vào sáng và tối.
Dầu tràm trà: Dầu tràm trà có tác dụng kháng khuẩn cao, tiêu diệt được nhiều vi khuẩn có hại cũng như các loại vi nấm, mốc. Liều lượng để sử dụng nước súc miệng tràm trà là 1 – 2 giọt tinh dầu pha cùng một cốc nước ấm, súc miệng trong 5 phút.
Lô hội: Lô hội cũng là một loại cây có tính kháng khuẩn tự nhiên. Bạn có thể súc miệng và ngậm trực tiếp gel lô hội vắt từ lá cây tươi.
Giấm táo: Trộn 2 muỗng giấm táo vào một cốc nước sẽ giúp bạn có một hỗn hợp nước súc miệng diệt khuẩn rất tốt. Súc miệng trong 5 phút và sau đó súc lại bằng nước sạch để loại bỏ mùi chua và axit dư thừa từ nước giấm táo.
Gừng: Công thức cho loại nước súc miệng này là một muỗng cà phê nước cốt gừng trong một cốc nước ấm. Súc miệng bằng nước gừng sau mỗi bữa ăn sẽ làm giảm hôi miệng và đem đến hơi thở thơm mùi gừng.
Dầu dừa: Phương pháp súc miệng bằng dầu dừa nguyên chất sẽ hơi khó thực hiện một chút, nhưng không chỉ giúp giảm hôi miệng, chúng còn làm răng thêm trắng và tăng cường sức khỏe răng miệng. Bạn hãy sử dụng dầu dừa nguyên chất để ngậm, súc trong miệng 5 phút mỗi ngày và sau 1 tháng đều đặn thực hiện, bạn sẽ thấy phương pháp này có hiệu quả bất ngờ.