Nhiệm vụ của phó tổng thống Mỹ Mike Pence đổ bộ châu Á để thuyết phục các đối tác Đông Nam Á để cùng với Mỹ mang lại nhiều lựa chọn tốt hơn là đừng để khu vực lọt vào sự kiểm soát kinh tế của Trung Quốc, bởi chính quyền tổng thống Donald Trump cấp tập triển khai giai đoạn tiếp theo trong lộ trình hoàn thiện chiến lược châu Á của Mỹ, được gọi là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (Ảnh: AP)
Mỹ công kích mạnh vào "Vành đai, Con đường"
Đại diện các quốc gia Thái Bình Dương sẽ tập trung ở thủ đô của Papua New Guinea vào tuần tới, với sự góp mặt của phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Nhiệm vụ của ông Pence là thuyết phục các đối tác Đông Nam Á rằng Mỹ cùng đồng minh của Mỹ có thể mang lại nhiều lựa chọn tốt hơn là để khu vực lọt vào sự kiểm soát kinh tế của Trung Quốc.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ vừa kết thúc hôm 7/11, với kết quả đảng Cộng hòa của ông Trump bảo vệ thành công thế đa số tại Thượng viện, giúp chính quyền duy trì thuận lợi nhất định trong quản trị đất nước.
Trong khi các cuộc đối thoại Mỹ-Trung đã được tái khởi động nhằm hạ nhiệt căng thẳng song phương, chính quyền Trump đang có bước ngoặt cơ bản về chính sách đối ngoại.
Tổng thống Trump sẽ đến Argentina vào cuối tháng để dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ngoại trưởng Mike Pompeo đang nỗ lực dàn xếp cuộc thượng đỉnh thứ hai giữa ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Còn phó tổng thống Pence, người gây bão với lập trường tiếp cận gay gắt nhằm vào Trung Quốc hồi cuối tháng 10, thực hiện chuyến công du châu Á kéo dài đến 1 tuần (11-18/11) và đặc biệt được kỳ vọng trong bài phát biểu về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trước lãnh đạo các thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea.
Tổng thống Mỹ Trump và phó tổng thống Pence (Ảnh: EPA)
Trong chuyến công du châu Á lần thứ ba này, ông Pence sẽ tới Nhật Bản, Singapore và Australia, đại diện cho Mỹ tại hội nghị cấp cao ASEAN và hội nghị cấp cao Đông Á(EAS) - sự kiện thường niên quan trọng của các lãnh đạo châu Á. Ông cũng có lịch trình gặp gỡ lãnh đạo Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Australia, Malaysia và New Zealand.
Chuyến đi diễn ra vào thời điểm then chốt trong quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á, và tiến trình thực thi chiến lược của chính quyền Trump với Trung Quốc.
"Ông ấy (Mike Pence) sẽ đến khu vực [Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương] với thông điệp quyết đoán rằng Mỹ và các đối tác đang hành động trên cả khu vực để củng cố khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở," tờ Washington Post trích lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng.
Ông Pence được cho là sẽ thực hiện sứ mệnh "đắp da đắp thịt" để làm rõ hơn cho thế giới về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà tổng thống Trump lần đầu đề cập khi tới Việt Nam dự hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 năm ngoái.
Theo WaPo, ông Mike Pence sẽ không chỉ trích trực diện chính phủ Trung Quốc như ông đã làm trong bài phát biểu gần đây tại Mỹ. Kế hoạch của ông là củng cố luận điểm rằng tầm nhìn của Mỹ với khu vực là tốt hơn đối với các đối tác, cả về kinh tế và chính trị, và sự cam kết của Washington với khu vực là thực tế.
Các cuộc đàm phán Mỹ-Trung cũng tái khởi động trước thời điểm nóng ông Mike Pence công du châu Á. Hai cường quốc hy vọng tìm ra giải pháp vượt qua mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực từ thương mại tới quân sự.
Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad nói rằng Washington không cố tình đối đầu với Trung Quốc để trục lợi.
Ông Branstad nói, "Chúng tôi muốn đây là một mối quan hệ mang tính xây dựng, hướng tới kết quả với phía Trung Quốc. Mỹ không cố gắng đối đầu với Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn công bằng và có đi có lại."
Dù vậy, việc các nước Đông Nam Á tin vào khả năng của chính quyền Trump hay lời hứa gây dựng một giải pháp đối trọng với sự bành trướng toàn diện của Trung Quốc lại là một câu hỏi khác.
Bắc Kinh đã đổ nhiều tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, cũng như đầu tư mạnh tay trong nhiều lĩnh vực khác thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường. Cho đến nay, các chính sách đối trọng của Mỹ chưa phát huy được nhiều tác dụng.
Các quan chức Mỹ cho hay, phó tổng thống Pence sẽ đưa những tuyên bố khẳng định rằng nguồn vốn tư nhân từ các công ty Mỹ, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ cho phát triển hạ tầng công nghệ, là "lành mạnh" hơn các chương trình cho vay vốn dễ dãi của Bắc Kinh.
"Vành đai và Con đường là đường một chiều," một quan chức chính phủ Mỹ bình luận. "Đây là quân bài chính trị và địa chiến lược của chính phủ Trung Quốc nhằm thâm nhập vào nền chính trị các nước và tăng cường các lựa chọn đặt căn cứ quân sự dưới vỏ bọc hỗ trợ phát triển."
Ông Mike Pence ngồi cạnh thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2018 ở Pyeongchang, Hàn Quốc (Ảnh: AP)
Trung Quốc củng cố "thế trận" ở châu Á
Trong khi đó, ban lãnh đạo Trung Quốc cũng triển khai các chiến dịch ngoại giao quy mô để củng cố sự ủng hộ từ các đối tác tại những hội nghị quốc tế quan trọng sắp tới.
Trước tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại và các hậu quả của chiến tranh thương mại với Mỹ đang nổi lên, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Singapore từ ngày thứ Hai (13/11) để tiến hành chuyến công du 5 ngày, bao gồm việc tham dự hội nghị cấp cao ASEAN.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Papua New Guinea vào cuối tuần, nơi ông có cơ hội tiếp xúc với phó tổng thống Mỹ Pence.
Chuyến thăm Singapore của ông Lý, giống như nhiều chuyến công du của các lãnh đạo Trung Quốc, được mở đường bằng một bài viết ký tên ông, đăng trên truyền thông bản địa. Ở bài xã luận gửi báo Strait Times, ông Lý Khắc Cường nêu rõ lập trường chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
"Mở cửa là điều bắt buộc phải kiên trì theo đuổi, bởi vì đây không chỉ là một giải pháp mà còn là một quan niệm - điều phải trải qua thử thách mới có thể trở nên vững chãi hơn," thủ tướng Trung Quốc viết.
"Trung Quốc đã mở cửa với thế giới. Chúng tôi sẽ không bao giờ đóng lại, thậm chí sẽ còn mở rộng cửa hơn nữa."
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường duyệt đội danh dự cùng thủ tướng chủ nhà Lý Hiển Long khi đến thăm Singapore, ngày 12/11 (Ảnh: Reuters)
Hồi tuần trước, ông Mike Pence đã có thông điệp được cho là gián tiếp nhằm vào Bắc Kinh, đồng thời trấn an đồng minh ở châu Á về mức độ cam kết của Washington.
"An ninh và thịnh vượng của đất nước chúng ta phụ thuộc vào khu vực quan trọng này, và Mỹ sẽ tiếp tục bảo đảm rằng tất cả các nước, dù là nước lớn hay nước nhỏ, có thể phát triển thịnh vượng trong một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở," ông Pence viết trên báo WaPo.
"Những nước chèn ép chính người dân của họ thì cũng thường xuyên xâm phạm chủ quyền của các láng giềng. Chủ nghĩa bá quyền và gây hấn không có chỗ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."
Liu Weidong, chuyên viên phân tích các sự vụ Mỹ-Trung thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), cảnh báo ông Pence đến châu Á với mục đích lôi kéo các láng giềng của Trung Quốc gia nhập quỹ đạo Mỹ.
"Ông Pence đang cố cạnh tranh chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tô đậm mối đe dọa từ Trung Quốc và cam kết của Mỹ với khu vực," Liu nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Còn theo Song Junying, chuyên gia về vấn đề Đông Nam Á của CASS, các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc sẽ tìm giải pháp thu hẹp khác biệt Mỹ-Trung, hơn là để bị kéo vào cuộc cạnh tranh có thể dẫn tới sụt giảm tăng trưởng trên diện rộng.
"Dù chiến tranh thương mại khiến Mỹ mở cửa nhiều hơn với hàng hóa nhập khẩu từ những nước khác, gồm các nước Đông Nam Á, song căng thẳng Mỹ-Trung sẽ làm tất cả các nước thiệt hại nếu còn tiếp diễn," Song nói.
Mỹ và Trung Quốc có mâu thuẫn lợi ích trong nhiều vấn đề như biển Đông và Đài Loan, được thể hiện trong nhiều trao đổi cấp cao thời gian qua.
Tiếp xúc cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hồi tuần trước, ông Tập Cận bình nói Trung Quốc muốn giải quyết bất đồng với Mỹ bằng đối thoại, nhưng Mỹ cần tôn trọng những lợi ích và con đường phát triển riêng của Bắc Kinh.
Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung lần 2, diễn ra hôm 9/11, giữa bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và chủ nhiệm Ủy ban công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, cũng thể hiện điều tương tự.
Theo ông Dương, Trung Quốc tin rằng "không quốc gia nào nên lợi dụng bất kỳ cái cớ nào để thúc đẩy quân sự hóa trong khu vực", trong khi ông Mattis nói Mỹ chia sẻ "mối quan ngại tiếp diễn về hoạt động và hành vi quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông".