Đó là hóa thạch 22 triệu năm của thú săn mồi cổ đại. Hóa thạch này là loài động vật săn mồi cổ đại suýt bị bỏ quên tại Kenya.
Mô phỏng thú săn mồi Simbakubwa
Theo Daily Mail, hóa thạch của loài thú săn mồi có niên đại 22 triệu năm bị bỏ quên trong ngăn kéo tại bảo tàng quốc gia Kenya. Chỉ khi các nhà nghiên cứu tại đại học Ohio (Mỹ) phát hiện ra và kiểm tra lại thì chúng mới được công nhận giá trị.
"Khi mở ngăn kéo tủ tại bảo tàng quốc gia Kenya, chúng tôi nhìn thấy một hàm răng của loài thú săn mồi khổng lồ. Rõ ràng, nó thuộc về một loài mới đối với giới khoa học", tiến sĩ Matthew Borths, thuộc đại học Ohio, chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu cho biết đây là hóa thạch của loài Simbakubwa (tiếng địa phương có nghĩa là sư tử lớn). Nó có thể là loài đứng đầu trong chuỗi thức ăn ở châu Phi tại thời điểm nó sinh sống, giống sư tử ngày nay. Tuy vậy, loài thú săn mồi to lớn này lại không hề liên quan tới sư tử hay bất cứ động vật có vú nào hiện nay.
Hộp sọ của Simbakubwa lớn bằng hộp sọ của tê giác. Nó thuộc nhóm động vật có vú đã tuyệt chủng có tên gọi là Hyaenodont. Chúng có hình dạng gần giống loài mèo ngày nay nhưng lớn hơn nhiều lần. Các nhà khoa học cho hay, Simbakubwa thống trị châu Phi sau khi loài khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước.
Simbakubwa là loài săn mồi có kích thước lớn
Hóa thạch của loài Simbakubwa vô tình được khai quật từ nhiều thập kỷ trước ở Kenya khi các nhà nghiên cứu đi tìm bằng chứng về loài vượn cổ.
Simbakubwa là động vật có vú ăn thịt đầu tiên ở châu Phi. Sau đó, chuyển động kiến tạo của các mảng lục địa đã kết nối châu Phi với các lục địa phía bắc, tạo ra sự giao thoa giữa các loài động thực vật. Sau hàng triệu năm gần như bị cô lập, Simbakubwa cũng có thêm "bạn mới" khi các loài thuộc họ mèo, linh cẩu và chó bắt đầu chuyển sang châu Phi.
Nhưng loài thú săn mồi cổ đại này lại chọn sống ở phía bắc, trong khi các loài thuộc họ mèo, linh cẩu và chó di chuyển về phía nam.
"Chúng tôi không biết chính xác nguyên nhân khiến Simbakubwa và các loài thuộc họ Hyaenodont tuyệt chủng. Nhưng hệ sinh thái thay đổi quá nhanh cộng với biến đổi khí hậu khiến mọi thứ trở nên khô hơn", tiến sĩ Borths nói