Một kế sách nhưng có thể áp dụng ngàn đời nay, Trung Quốc biết cách mua chuộc và đánh bại đối thủ. Trung Quốc từ ngàn đời nay đã có truyền thống mua chuộc cho đến lúc có thể "nuốt trọn" kẻ thù, và đó là điều Mỹ cần nhìn vào nếu tiếp tục đối đầu.
Chỉ một lần thất bại, Hán cao tổ Lưu Bang đã thay đổi hoàn toàn quyết sách với bộ tộc Hung Nô. Ảnh phim truyền hình Trung Quốc.
Đây là nhận định của cây viết Michael Schuman đăng tải trên báo Mỹ Bloomberg. Schuman là người am hiểu các vấn đề Trung Quốc và hiện đang sống ở Bắc Kinh.
Schuman nói chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng áp thuế đối với Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại, giúp công ty và nông dân Mỹ thu lời nhiều hơn. Nhưng đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc chịu sức ép như vậy trong lịch sử.
Từ năm 200 trước Công nguyên, triều đại huy hoàng trong lịch sử Trung Quốc là nhà Hán, đã phải đối phó với mối đe dọa từ các bộ lạc Hung Nô ở phía bắc. Hoàng đế khai quốc nhà Hán là Lưu Bang đích thân chỉ huy chiến dịch quân sự chống Hung Nô. Kết quả là bị 300.000 kỵ binh Hung Nô bao vây, suốt 7 ngày, Lưu Bang may mắn lắm mới thoát chết.
Lưu Bang từ đó bỏ giải pháp quân sự với người Hung Nô. Thay vào đó, nhà Hán đem nhiều tơ lụa, rượu và gạo tặng cho Hung Nô hàng năm, đổi lấy lời hứa không xâm lược. Chiến lược này đã mở ra giai đoạn hòa bình giữa nhà Hán và người Hung Nô suốt hàng chục năm.
Một số sử gia Trung Quốc nói nhà Hán khi đó không đủ sức khuất phục Hung Nô nên việc dùng chút của cải để xoa dịu kẻ thù là chuyện bình thường. Số khác nói đây là chiến lược dùng của cải khiến Hung Nô phải phụ thuộc vào nhà Hán.
Dĩ nhiên, Hung Nô không ngừng đòi thêm của cải, thậm chí còn cướp bóc trong lãnh thổ nhà Hán. Kết quả là vào năm 130 trước Công nguyên, nhà Hán khi đó đã mạnh hơn, đem quân diệt tận gốc người Hung Nô, chấm dứt mối đe dọa từ phương bắc.
Các hoàng đế Trung Hoa nhiều lần lựa chọn cách mua chuộc các bộ tộc hùng mạnh ở bên ngoài Vạn lý Trường thành.
Đến thời nhà Tống, một thỏa thuận tương tự lặp lại, nhưng lần này là với người Khiết Đan. Trung Quốc thời Tống ban đầu không hề suy yếu, sở hữu nhiều bước tiến đột phá mà châu Âu thậm chí còn không sánh bằng.
Nhưng nhà Tống khi đó vẫn dùng của cải để mua chuộc kẻ thù, thậm chí cả khi đánh thắng quân Khiết Đan trên chiến trường. Theo hòa ước Thiền Uyên, mỗi năm Tống tặng cho Khiết Đan 10 vạn lạng bạc, 20 vạn xúc lụa.
Sau này Khiết Đan đổi tên thành Đại Liêu thì dần dần bị Hán hóa, đồng hóa với người Trung Quốc.
Nhìn chung, mỗi khi phải đối mặt với kẻ địch ngoại quốc, Trung Hoa có xu hướng tận dụng nguồn tài sản khổng lồ để xoa dịu và từ đó làm suy yếu kẻ địch, tác giả Schuman nhận định.
Trong tình cảnh hiện đại, Trung Quốc sẵn sàng dùng tiền mua thêm hàng hóa, giúp công ty, nông dân Mỹ thu lời, nhưng không hề muốn thay đổi luật chơi, như việc đánh cắp công nghệ và cạnh tranh bất bình đẳng. Kết quả là điều này chỉ càng khiến nông dân và công ty Mỹ phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, theo tác giả Schuman.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lên tiếng bày tỏ sự thất vọng rằng Trung Quốc chưa mua thêm hàng nông sản Mỹ như đã hứa.
Đó cũng là cách để Trung Quốc có thêm thời gian tự phát triển, giống như các triều đại khác trong lịch sử Trung Hoa. Người Trung Quốc dĩ nhiên rất nổi tiếng với việc dùng cả tiền và danh dự để có thể trở nên mạnh hơn trong tương lai, theo Bloomberg.
Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ phàn nàn về việc Trung Quốc chưa mua thêm hàng hóa Mỹ như đã hứa. Có thể việc trì hoãn mua hàng tỉ USD hàng hóa Mỹ là một phần trong chiến lược mà Bắc Kinh đề ra.
Tác giả Schuman kết luận, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nên tập trung vào các giá trị cốt lõi, như tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, chấm dứt các hoạt động đánh cắp công nghệ và yêu cầu chính phủ Trung Quốc ngừng tài trợ cho các công ty nội địa để đè bẹp các công ty nước ngoài làm ăn ở Trung Quốc.
Điều này giúp công ty Mỹ làm ăn tự do hơn ở Trung Quốc, từng bước giảm thâm hụt thương mại. Điều này không thể diễn ra một sớm một chiều, nhưng là bước đi bền vững hơn việc để Trung Quốc vung tiền một cách không kiểm soát, theo tác giả Schuman.