Trước sự việc Trung Quốc tiếp tục ngang ngược ở Biển Đông, đưa tàu xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Chuyên gia về Biển Đông nhìn nhận Trung Quốc sẽ không muốn đẩy cao căng thẳng trên Biển Đông vì nước này sẽ phải trả giá đắt.
*Nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, là một trong những chuyên gia về Biển Đông. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của ông về việc Trung Quốc đưa tàu xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Tôi cho rằng căng thẳng lần này nếu được đẩy lên cao sẽ không có lợi cho Trung Quốc, vì bối cảnh hiện nay khác so với sự kiện HD-981 năm 2014. Năm 2014, Trung Quốc một là muốn thử phản ứng của Việt Nam, hai là muốn lái thế giới tập trung vào vụ đó để Trung Quốc có thể tập trung xây đảo nhân tạo. Nay các đảo nhân tạo đó đã xong hết rồi, vậy thì Trung Quốc gây căng thẳng để làm gì?
Phép thử "đường lưỡi bò"
Theo tôi, vụ này có mấy điểm cần lưu ý.
Một là Trung Quốc tiếp tục sử dụng luận điệu rằng các mỏ dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nhưng cũng nằm trong "đường lưỡi bò" của Trung Quốc để xem dư luận thế giới và Việt Nam đến nay phản ứng thế nào.
Sau phán quyết năm 2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc thì dư luận ủng hộ phán quyết lên cao nhưng cũng có nhiều quốc gia không chính thức lên tiếng.
Hai là Trung Quốc cũng đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, và đây không chỉ là về thương mại mà còn là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai quốc gia, xem ai sẽ là cường quốc số 1. Tôi cho rằng đây không phải là bối cảnh tốt để Trung Quốc làm lớn chuyện. Năm 2014, Trung Quốc còn kéo cả tàu khu trục cũng như tàu ngầm dàn trận ở đó sẵn. Lần này, Trung Quốc chỉ mang một số tàu hộ tống thôi.
Đây cũng có thể xem là một động thái "nắn gân" của Trung Quốc với ASEAN. Hiện nay, nhiều nước Đông Nam Á có vẻ như đang thức tỉnh trước chính sách "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Chính sách này được xem là biểu tượng hàng đầu cho tham vọng tranh giành ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, nhưng đang vấp phải sự nghi kỵ và chỉ trích vì sự thiếu minh bạch cũng như những rủi ro mà nó mang lại, bao gồm cái gọi là "bẫy nợ".
Cũng có thể Trung Quốc muốn gửi đi tín hiệu rằng: Dù nhiều người nghĩ chiến tranh thương mại đã làm Trung Quốc suy yếu nhưng thực tế Bắc Kinh vẫn còn đầy đủ sức mạnh.
Quan điểm của Việt Nam đó là "dĩ bất biến ứng vạn biến", chủ quyền của chúng ta là bất biến không thay đổi nhưng phương pháp đấu tranh thì tùy từng lúc, tùy thời cơ.
Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng cũng không bao giờ thay đổi, nhất quán xuyên suốt các thời kỳ. Chỉ khi Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối đến mức không thể làm gì được thì Trung Quốc mới chịu rút lui.
Có thể thấy là tin tức sớm nhất về sự việc lần này đều là xuất phát từ phía Mỹ, dù không phải là từ chính quyền hay quan chức mà là từ giới nghiên cứu, học giả. Nói một cách sòng phẳng thì những thông tin đó nếu không được chính phủ bật đèn xanh cung cấp thì khó mà tiếp cận được.
Tôi nghĩ Mỹ đã đợi xem Việt Nam phản ứng như thế nào, nếu Việt Nam lên tiếng thì Mỹ sẵn sàng ủng hộ Việt Nam, vì hai bên có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.
Cộng đồng quốc tế có thể khiến Trung Quốc trả giá về kinh tế
Mỹ sẽ có nhiều biện pháp để thách thức Trung Quốc nếu Mỹ muốn. Đơn giản nhất Mỹ có thể tổ chức một "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP) tại khu vực. Mỹ có thể đưa ra những tuyên bố, với sự lên tiếng của nhiều nghị sĩ, quan chức Mỹ chống lại Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cũng có thể tiến tới việc trừng phạt Trung Quốc về mặt kinh tế với lý do Trung Quốc không tuân thủ luật quốc tế.
Chúng ta không mong chờ, không thúc đẩy đối đầu quân sự. Song Mỹ và cộng đồng quốc tế có thể khiến Trung Quốc phải trả giá về kinh tế thương mại nếu Trung Quốc coi thường luật quốc tế, gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải, tự do thương mại, đe dọa đến sự phát triển kinh tế và ổn định của khu vực.
Hết tháng 7 sang tháng 8 là biển sẽ không còn êm nữa. Cá nhân tôi cho rằng Trung Quốc cũng không muốn đẩy sự việc lên cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã cho thấy họ phớt lờ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và nếu chúng ta không phản ứng thì Trung Quốc sẽ "được đằng chân lân đằng đầu". Nếu không bị phản đối, Trung Quốc sẽ càng ngang ngược làm tới với mục đích sau cùng là kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Cách đây không lâu, tàu dân quân biển của Trung Quốc đã tông thẳng vào tàu đánh cá Philippines, khiến 22 ngư dân trôi nổi trên biển. Gần đây thì Trung Quốc cũng quấy nhiễu các tàu Malaysia và Malaysia buộc phải đưa tàu chiến ra khu vực đó. Các quốc gia ASEAN phải ý thức rất rõ về nguy cơ từ những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và phải đoàn kết, cùng nhau lên tiếng.
Tuyên bố về Ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002 tới giờ cũng không có tác dụng nhiều, nên quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là muốn có một Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý, chứ không phải là một tuyên bố chính trị chung chung.
Mong chờ về COC rõ ràng là một thực tế còn phức tạp, dù Thủ tướng Trung Quốc năm ngoái nói có thể đưa ra COC trong vòng 3 năm nữa. Với những hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc như vậy, tôi cho là COC khó có thể ra đời trong thời gian đó.