Ngoại trưởng Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc cùng nhiều nước sẽ đến Bangkok dự hội nghị ngoại trưởng Asean, trong bối cảnh Việt Nam đang đòi Trung Quốc rút tàu khỏi Bãi Tư Chính, bởi cuộc họp này sẽ cho phép các nước thảo luận những lo ngại đang diễn ra như khủng hoảng Rohingya và tranh chấp trên Biển Đông.
Các ngoại trưởng 10 nước ASEAN họp ở Singapore ngày 2-8 năm 2018. (Hình: AFP/Getty Images)
Ngoài cuộc họp riêng cấp ngoại trưởng của 10 nước thành viên ASEAN n còn có các cuộc họp về Sáng kiến Tiểu vùng Mekong và họp với các đối tác khu vực. Bộ Ngoại Giao CSVN loan báo “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM52) và các Hội nghị liên quan từ ngày 30/7 đến ngày 03/8/2019 tại Bangkok, Thái Lan.”
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng loan báo Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Thái Lan từ ngày Thứ Ba 30/7 khi xảy ra hai sự kiện an ninh đáng lo ngại là Biển Đông căng thẳng và Bắc Hàn vừa bắn một loại hỏa tiễn tầm xa trung bình.
Theo hãng tin AP, các viên chức bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ chối trả lời câu hỏi ông Pompeo có gặp song phương với một số đối tác khu vực khi đến Bangkok hay không, mà chỉ nhìn nhận đó là những quan ngại chính yếu hiện nay.
Bộ Ngoại Giao Hà Nội cũng thường nín lặng cho tới sau khi cuộc gặp đã diễn ra và cũng chỉ nói chung chung về những vấn đề hai bên cùng quan tâm kèm theo một số từ ngữ tuyên truyền về lập trường quen thuộc. Nhưng ít nhất, diễn biến đang căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực Tư Chính – Vũng Mây thuộc thềm lục địa 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam ông Phạm Bình Minh không thể không đề cập ở Bangkok.
Một số nhà phân tích quốc tế gần đây gợi ý Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Phi Luật Tân từng làm mấy năm trước mà người ta tin “chắc chắn sẽ thắng”. Nhưng Hà Nội có giám làm hay không, vẫn còn là câu hỏi lớn khi cân nhắc các đòn trả thù của Bắc Kinh. Nền kinh tế CSVN phụ thuộc phần lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.
Tổ chức ASEAN tuy là một kết hợp hỗ tương giữa 10 nước khu vực với nhau, liên kết với nhau về mọi mặt để phát triển và tăng cường an ninh. Nhưng một số nhà phân tích, nhìn qua các ảnh hưởng từ bên ngoài, đã thấy tổ chức này bộc lộ những chia rẽ, khác biệt thay vì đồng thuận.
Từ Tháng 8 năm ngoái, một bản dự thảo đàm phán duy nhất cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) mới đạt được sau nhiều năm cù cưa thảo luận. Với những diễn biến gần đây, tàu “dân quân biển” Trung Quốc đâm chìm tàu cá Phi Luật Tân tại bãi cạn Scarborough, đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Tư Chính – Vũng Mây, giới chuyên viên phân tích thời sự mới đây cho rằng đàm phán COC sẽ khó khăn tiến tới hơn.
Ngay từ Tháng 8-2018, một nhà phân tích, Brahma Chellaney nhận định trên tờ South China Morning Post về khả năng giới hạn của tổ chức ASEAN qua những cuộc đàm phán thời gian đó ở Singapore khi muốn đưa ra các giải pháp ngăn chặn xung đột võ trang tại khu vực. Ông cho rằng tổ chức 10 nước ASEAN chia rẽ và thiếu sức mạnh địa chính trị dù muốn nắm quyền chỉ đạo những sáng kiến vượt ra bên ngoài khu vực.
Theo ông Chellaney, khi ngồi vào cái ghế tài xế tức chủ tọa luân phiên mỗi nước một năm, “các nước ASEAN lại thường cần những chỉ thị từ những kẻ ra lệnh cho tài xế (back-seat drivers) để làm thế nào đi tới và đi đâu”.
Ông Chellaney dẫn chứng một số cuộc họp mấy tháng trước đó được tổ chức tại Singapore, từ Diễn đàn An ninh Khu vực, họp thượng đỉnh, cuộc họp cấp ngoại trưởng của riêng ASEAN và họp chung với các đối tác khu vực lên tới 27 nước trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Nga.
Các cuộc họp lộ ra các nhược điểm nội tại nên tổ chức ASEAN không thể tạo ảnh hưởng để làm giảm bớt những tranh chấp của các đại cường (bên ngoài) tại khu vực. Hoa Kỳ và Trung Quốc kình chống nhau, áp lực ASEAN nên đã làm cho tổ chức này khó cục cựa. ASEAN không có khả năng đóng góp để xây dựng một trật tự với những quy luật được áp dụng hoặc kềm chế những nước đơn phương lấn át như Trung Quốc.
Trong cuộc họp diễn ra tuần này tại Bangkok, phái đoàn CSVN có lôi kéo được các nước khác trong ASEAN hậu thuẫn cho mình lên án Bắc Kinh xâm phạm đặc quyền kinh tế của mình trên Biển Đông cũng như gây căng thẳng an ninh ở khu vực hay không, vẫn là dấu hỏi rất lớn.(TN)