Sau vụ tấn công nhà máy dầu Arab Saudi thì ai mới là người hưởng lợi nhiều nhất? Mỹ và Nga có thể hưởng lợi vì bán thêm dầu vào thị trường khi giá tăng do vụ tấn công, trong khi Arab Saudi phải nỗ lực khắc phục thiệt hại.
Hai nhà máy ở Abqaiq và Khurais của công ty dầu khí nhà nước Arab Saudi Aramco ngày 14/9 bị tấn công bằng máy bay không người lái, khiến họ tổn thất gần 6 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 50% tổng sản lượng sản xuất toàn quốc, làm sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu.
Ngay sau khi thông tin về vụ tấn công lan ra, giá dầu Brent sáng 16/9 tăng hơn 19% lên 71,95 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng 15% lên 63,34 USD/thùng. Giá dầu Brent hôm nay là 68,29 USD/thùng.
Theo logic thông thường, giá dầu thế giới tăng sẽ có lợi cho các quốc gia OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng Arab Saudi, thành viên chủ chốt OPEC, không hưởng lợi với tình hình này.
"Nếu giá dầu duy trì ở mức cao và đặc biệt là nếu chúng tiếp tục tăng, điều này rất có thể là do Arab Saudi bị gián đoạn sản xuất kéo dài. Vì vậy, họ chẳng thể nào hưởng lợi", nhà kinh tế Julian Jessop của trung tâm nghiên cứu JBC Energy, nói.
Giới chức Arab đang xem xét liệu có nên trì hoãn kế hoạch chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của Aramco hay không, do các nhà đầu tư có thể suy giảm niềm tin sau vụ tấn công. Hiện chưa rõ cần bao lâu để Aramco nối lại hoạt động sản xuất tại hai nhà máy bị tấn công.
Nhà máy ở Buqayq bị tấn công bằng máy bay không người lái ngày 14/9. Ảnh: Reuters.
OPEC, gồm 14 quốc gia thành viên cung cấp gần 1/3 lượng dầu của thế giới, từng đưa ra những biện pháp kiềm chế nguồn cung để nâng giá. Hồi tháng 7, họ ký một điều lệ hợp tác mới với các đồng minh lớn, bao gồm Nga, thống nhất kéo dài việc cắt giảm sản lượng hàng ngày.
Các cuộc tấn công vào nhà máy Arab Saudi có thể làm lợi cho các nhà sản xuất có năng lực sản xuất dư thừa vì lượng cung dầu mỏ toàn cầu bị suy giảm. "Các nhà sản xuất khác của OPEC sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và cả những nước không trong OPEC cũng vậy, tiêu biểu là Nga", Jessop nói thêm.
"Tuy nhiên, yếu tố địa lý là vấn đề quan trọng. Bất kỳ bên nào phụ thuộc vào việc vận chuyển dầu hoặc khí đốt qua Eo biển Hormuz cũng có thể gặp rủi ro nếu căng thẳng khu vực leo thang", ông cho biết. "Nhìn chung, các quốc gia có năng lực sản xuất dư thừa sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, các nước khác cũng có thể bán dầu với giá cao hơn".
Để giảm bớt tác động của thị trường, Tổng thống Donald Trump ngày 15/9 đề xuất mở kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, với tư cách là nhà sản xuất dầu đá phiến lớn nhất thế giới, Mỹ sẽ là bên hưởng lợi trong tình hình này.
"Sẽ rất thú vị khi xem Mỹ bổ sung các thùng dầu vào thị trường nhanh như thế nào", nhà phân tích Jessop nói. "Chúng ta sẽ thấy Mỹ tăng xuất khẩu dầu thô trong vài tháng tới".
Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhưng Tehran bác bỏ. Trump ngày 15/9 cảnh báo Mỹ sẵn sàng "khóa mục tiêu và lên nòng" để đáp trả, ám chỉ khả năng Mỹ có phản ứng quân sự. Trump từng hủy kế hoạch không kích Iran vào phút chót hồi tháng 6.
Giới phân tích cảnh báo Mỹ có thể hiện lên là "mềm yếu" nếu không có phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Trump ít khả năng sử dụng biện pháp quân sự để gây leo thang chảo lửa ở Trung Đông vì ông có thể đánh mất những lá phiếu quan trọng của các cử tri chán ghét chiến tranh trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Cuộc tấn công cũng sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Arab Saudi và Iran, vốn đã là đối thủ trong hàng thập kỷ ở khu vực. Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tuyên bố nước này "sẵn sàng và có thể" đáp trả "hành vi xâm lược khủng bố".
Tuy nhiên, James Dorsey, chuyên gia về Trung Đông tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng ít khả năng Arab Saudi sẽ tung ra đòn trả đũa trực tiếp vì "Arab Saudi không muốn có một cuộc xung đột công khai với Iran".
Các nhà phân tích đánh giá nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm mạnh trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công, vì giá dầu tăng dẫn đến giá tiêu dùng lên cao và làm tăng nguy cơ lạm phát, từ đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
"Cuộc tấn công vào nhà máy dầu Arab Saudi ít khả năng là thảm họa đối với nền kinh tế toàn cầu", Jennifer McKeown tại công ty kinh tế Capital Economics nói. "Nhưng căng thẳng đang gia tăng ở Trung Đông là một cơn gió ngược cho nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm có nhiều sự không chắc chắn và một cuộc xung đột toàn diện có thể khiến suy thoái toàn cầu thêm trầm trọng".
Trung Quốc cũng được cho là sẽ chịu thiệt hại do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và họ luôn "khát" năng lượng. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chững lại, họ đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng và ngành sản xuất hoạt động kém.
Tuy nhiên, mức độ bị ảnh hưởng của Bắc Kinh có thể không cao vì nhu cầu dầu của họ đang suy giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu đi. "Xét cho cùng, nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và Trung Quốc cũng như châu Âu đang ở thời kỳ ngành sản xuất suy thoái".