Bữa cơm gia đình cho thấy con người được khuyến khích đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích bản thân, không chỉ đem lại sự thoải mái mà còn góp phần thay đổi cách ứng xử, bởi mỗi bữa ăn trong đó bạn cùng chia sẻ thức ăn với người khác là một cơ hội tạo ra sự gắn kết xã hội. Trong một trò chơi giả định, phần lớn "phạm nhân" sau khi ăn chung bữa quyết định im lặng bảo vệ nhau, thay vì tố cáo đối phương.
Tiến sĩ Karen Wu, phó giáo sư khoa Tâm lý Đại học Bang California, Los Angeles là con gái của một gia đình Đài Loan nhập cư vào Mỹ, lớn lên với những bữa cơm gia đình, trong đó mọi thành viên lấy thức ăn từ bát, đĩa lớn đặt giữa mâm. Sau này, bà nhận ra rằng bữa cơm gia đình không chỉ đem lại sự thoải mái mà còn góp phần thay đổi cách ứng xử.
Wu cho biết một nghiên cứu gần đây trên 1.476 tình nguyện viên của Kaitlin Woolley và Ayelet Fishback ở Đại học Cornell đã chỉ ra sức mạnh của kiểu ăn cơm chung này.
Nghiên cứu gồm ba phần.
Phần một, các nhà khoa học yêu cầu tình nguyện viên ăn khoai tây chiên theo 2 hình thức: ăn chung đĩa với người khác hoặc ăn riêng.
Tiếp đến, tình nguyện viên hóa thân thành các cặp lao động - quản lý trong một cuộc đình công giả định, mỗi cặp phải thỏa thuận mức lương mới sao cho cuộc đình công kết thúc nhanh nhất có thể. Kết quả chỉ ra những cặp chia sẻ thức ăn với người khác nhanh chóng đi đến thỏa thuận để đôi bên cùng được lợi.
Phần hai, các tình nguyện viên ăn bánh quy, hoặc từ một túi chung hoặc từ túi riêng. Sau đó, từng cặp tham gia trò chơi giả định đóng vai phạm nhân. Họ có thể cùng giữ im lặng, bảo vệ nhau và nhận 5 triệu USD mỗi người hoặc tố cáo đối phương để hưởng 7 triệu USD. Trường hợp cả hai cùng tố cáo nhau, họ sẽ bị xử thua cuộc. Đội ngũ nghiên cứu nhận thấy 63% người ăn chung gói bánh hợp tác cùng giữ im lặng. Con số này ở những người ăn gói riêng là 43%.
Phần ba, tình nguyện viên ăn bánh quy như phần hai. Các nhà khoa học phát hiện dù là người lạ hay đã quen thân từ trước, các tình nguyện viên đều hợp tác với nhau tốt hơn sau khi chia sẻ thức ăn. Đặc biệt, khả năng hợp tác tăng lên cao nhất khi vừa ăn chung vừa đàm phán.
Thói quen chia sẻ đồ ăn dạy chúng ta cách hợp tác với người khác. Ảnh: Pinterest.
Woolley và Fishback kết luận rằng bữa ăn kiểu gia đình thúc đẩy sự phối hợp bằng cách buộc chúng ta cân bằng nhu cầu của mình với nhu cầu của người khác. Trong lúc ăn, chúng ta phải nghĩ xem mình có đang lấy quá nhiều không, có để lại đủ cho người khác không.
"Mỗi bữa ăn trong đó bạn cùng chia sẻ thức ăn với người khác là một cơ hội tạo ra sự gắn kết xã hội", Fishbach nói.
Wu cho biết thêm cách ăn thể hiện giá trị văn hóa. Ví dụ, trong những xã hội đề cao tính tập thể như các nước châu Á, chia sẻ thức ăn từ bát, đĩa lớn cho thấy con người được khuyến khích đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích bản thân. Ngược lại, ở những xã hội đề cao tính cá nhân như các nước phương Tây, mỗi người thường có khẩu phần riêng, không cần để ý đến ai khác.
Theo tiến sĩ Wu, hầu hết chúng ta coi bữa cơm gia đình là điều bình thường, hiển nhiên mà ít khi dừng lại suy nghĩ mức độ ảnh hưởng của nó. "Bạn sẽ không biết mình mất đi thứ gì nếu từ bỏ bữa cơm gia đình", Wu nói.