26/12/2019
Tin từ Hà Nội: Bộ Công an cộng sản có ý định hoãn việc áp dụng biện pháp ghi âm, ghi hình trong hỏi cung thay vì thực hiện từ ngày 01/01/2020 như kế hoạch, với lý do chưa đủ nhân lực và cơ sở vật chất.
Trước đó, phía công an đã xây dựng đề án ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự và được thủ tướng phê duyệt. Bộ cũng cho biết đã thí điểm đề án tại Bắc Giang, Hà Nội, Sài Gòn, cơ sở giam giữ của bộ với 45 buồng hỏi cung đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Năm công an ở Khánh Hoà bị kết tội tra tấn nạn nhân đến chết (VNTV)
Điều 183 của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam 2015, có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều khoản này có mục đích chống bức cung, nhục hình, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự. Thủ tướng cũng ra quyết định vào tháng 9/2019 nói rằng kể từ ngày 01/01/2020 sẽ thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Mặc dù Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về chống tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo, việc tra tấn vẫn diễn ra một cách có hệ thống trong đồn công an và các cơ sở giam giữ, làm hàng trăm người bị chết và thương tích nặng nề mỗi năm.
Nạn nhân mới nhất là Lại Hồng Dân, 29 tuổi, chết ngày 08/12, chỉ vài ngày sau khi bị bắt và giam giữ tại trại giam công an huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo gia đình, trên thân thể nạn nhân có nhiều thương tích.