Sau khi biết tin Mỹ sát hại tướng Iran, nhiều nước trên thế giới tỏ ra quan ngại. Lãnh đạo nhiều nước bày tỏ quan ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng ở Trung Đông sau cuộc không kích của Mỹ giết chết tướng Iran Soleimani.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại một sự kiện ở Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 24/12/2019. Ảnh: Reuters.
Quân đội Mỹ hôm 3/1 tiến hành cuộc không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), làm dấy lên những quan ngại về một cuộc xung đột toàn diện giữa Washington và Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/1 đe dọa sẽ tấn công "rất nhanh và dữ dội" 52 mục tiêu quan trọng của Iran nếu nước này có hành động báo thù cho tướng Soleimani.
"Căng thẳng Trung Đông đang gia tăng. Tôi vô cùng lo lắng về tình hình hiện tại", Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm nay lần đầu bình luận về cái chết của tướng Soleimani tại buổi họp báo ở Ise, miền trung Nhật Bản. "Cần tránh leo thang thêm nữa và tôi kêu gọi các nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan để giảm bớt căng thẳng".
Abe cho biết thêm Tokyo sẽ cân nhắc triển khai lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tới Trung Đông nhằm tăng cường thu thập thông tin và bảo đảm an ninh hàng hải của các tàu Nhật trong khu vực.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNN Turk hôm 5/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng bày tỏ lo ngại về căng thẳng Mỹ - Iran và kêu gọi các bên kiềm chế.
"Mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran nên được kiểm soát và giải quyết. Việc Mỹ giết tướng Soleimani làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tôi nghĩ việc sát hại chỉ huy cấp cao của một nước sẽ không dễ dàng bị bỏ qua", Erdogan nói.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay vụ không kích hạ sát Soleimani diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông điện đàm với Trump và khuyên Tổng thống Mỹ "không nên gia tăng căng thẳng với Iran".
"Vụ tấn công đã được lên kế hoạch từ trước. Chúng tôi rất bất ngờ khi nghe tin này", Erdogan cho hay.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 3/1, ngay sau khi tướng Soleimani bị giết, Tổng thống Nga Vladimir Putin "nhất trí rằng các hành động của Mỹ có nguy cơ làm trầm trọng tình hình khu vực". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova sau đó nhấn mạnh hành động hạ sát "một đại diện của chính phủ quốc gia có chủ quyền, một quan chức là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý nào".
Các lãnh đạo châu Âu cũng thúc giục Iran kiềm chế "các hành động bạo lực hay ủng hộ hành động bạo lực". "Điều quan trọng nhất bây giờ là xuống thang căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và thể hiện trách nhiệm tối đa", Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 5/1 cho biết trong một tuyên bố chung.
Phát biểu tại London hôm nay, Thủ tướng Anh Johnson cho rằng tướng Soleimani là "mối đe dọa đối với lợi ích của tất cả chúng ta" và Anh "không tiếc thương cái chết của ông ta". Tuy nhiên, ông cho rằng hành động đáp trả hay trả thù lẫn nhau chỉ dẫn tới bạo lực nhiều hơn cho khu vực này và không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai.
Trong buổi cầu nguyện ở Vatican hôm qua, Giáo hoàng Francis kêu gọi "tất cả các bên giữ ngọn lửa đối thoại và tự kiềm chế, đồng thời tránh xa cái bóng của sự thù địch". Người đứng đầu Tòa thánh cho rằng chiến tranh sẽ chỉ mang tới chết chóc và hoang tàn, dù không nêu đích danh tên nước nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cáo buộc Mỹ có "hành vi quân sự mạo hiểm" ở Trung Đông, đi ngược lại các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. "Chúng tôi kêu gọi Mỹ không lạm dụng vũ lực và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh tình hình tồi tệ hơn", ông Cảnh nói, nói thêm rằng Trung Quốc rất quan tâm đến mối quan hệ giữa Mỹ và Iran.