Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết, cảnh sát vào thôn Hoành lúc rạng sáng 9/1 để "kịp thời bảo vệ người dân" trước lời đe dọa của nhóm chống đối, và ông Quang còn giải thích thêm tình huống xảy ra "va chạm" khiến 3 công an và cụ Kình thiệt mạng.
Hàng rào sân bay Miếu Môn đang được Bộ Quốc phòng VN xây dựng - nguyên nhân khiến bốn người bỏ mạng trong vụ công an tấn công làng hoành rạng sáng 9/1
Đồng Tâm: Bộ Công an Việt Nam nói 'không có lệnh bắt giữ" khi 'lực lượng vào thôn Hoành'
Bộ này cũng nói triển khai quân vào rạng sáng là để 'đảm bảo an toàn cho người dân và hoạt động xây dựng tường rào'.
Sáng 14/1, ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam thông tin với lãnh đạo các cơ quan báo chí về diễn tiến vụ Đồng Tâm xảy ra vào đêm mùng 8, rạng sáng ngày 9/1.
"Không có lệnh bắt giữ"
Cụ Lê Đình Kình khi còn sống, và ruộng vườn ở Đồng Tâm nơi cụ và gia đình sinh sống nhiều thế hệ.
Theo đó, hôm 9/1, Công an Hà Nội có kế hoạch triển khai một số chốt bảo vệ ở đồng Sênh "nhằm đảm bảo an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn" khi Bộ Quốc phòng xây tường rào sân bay Miếu Môn tới khu vực này.
Bộ Công an cũng xác định "20 đối tượng trọng điểm để ngăn ngừa".
"Khi lực lượng chức năng đang triển khai các chốt thì các đối tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt. Chúng ta đã tuyên truyền, dùng loa thuyết phục. Nhưng các đối tượng rất manh động, sau khi tấn công thì chúng rút vào mấy nhà ông Lê Đình Kình và nhà ông Lê Đình Công gần đó, tiếp tục tấn công từ trong nhà ra," ông Quang nói.
Ông này nhấn mạnh thêm: "Đây là phạm tội quả tang, nên lực lượng chức năng triển khai phương án vây bắt," ông Quang được trích lời trên tờ Pháp luật TP HCM online.
Ông Quang cũng xác nhận "hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ", và "không có lệnh bắt giữ".
Triển khai quân vào sáng sớm để 'bảo vệ người dân'
Giải thích lý do triển khai quân vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào sáng sớm [khoảng 3 - 4 giờ sáng], ông Quang cho hay mục tiêu ban đầu là đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và hoạt động xây dựng tường rào, theo *********.
Ông Quang cũng giải thích tình huống xảy ra "va chạm" khiến 3 công an và cụ Kình thiệt mạng.
Ông nói, do "trinh thám" nên biết được các đối tượng chống đối "có âm mưu đốt trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, cây xăng, cản trở việc xây tường rào"...
Do đó, "phải bố trí lực lượng vào thôn Hoành, để bảo vệ công trình từ xa".
"Phải nổ súng"
Ông Quang cũng nói là do các "đối tượng ném lựu đạn" vào lực lượng từ nhà ra, nên "lực lượng chức năng được tiến hành các biện pháp cần thiết", do đó là "phạm pháp quả tang".
Ông Quang cũng xác nhận 3 công an thiệt mạng là do ngã xuống giếng trời giữa hai nhà, và rằng "các đối tượng" sau đó đã phóng hỏa bằng cách ném chai xăng từ tầng hai, tầng ba xuống.
Ông Quang cũng phủ nhận hố này là "bẫy chông".
"Trước tình huống đó thì phải nổ súng" - ông Quang nói.
Trước đó, truyền thông Việt Nam loan tin, Công an Thành phố Hà Nội cho biết đã có quyết định khởi tố bắt tạm giam 22 người trong vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm hôm 9/1.
Ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an
20 người bị khởi tố "về hành giết người" gồm:
Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyến, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Niên, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân và Trịnh Văn Hải.
Hai người bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ gồm: Lê Đình Hiển và Bùi Viết Tiến.
"Bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội đang tạm giữ hình sự các đối tượng Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim để làm rõ hành vi giết người và Nguyễn Thị Dung về hành vi chống người thi hành công vụ," báo Thanh Niên đưa tin.
"Thú tội trên truyền hình"
Các con và cháu ông Lê Đình Kình 'thú tội' trên truyền hình VN tối 13/1
Tối 13/1, ba người nhà ông Lê Đình Kình là Lê Đình Công, Lê Đình Doanh và Lê Đình Quang, cùng một người dân Đồng Tâm, xuất thiện 'thú tội' trên truyền hình Việt Nam với các gương mặt thâm tím.
Đoạn phóng sự này được phát đi ngay sau khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video trong đó bà Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kình, nói bốn người nhà hiện vẫn đang mất tích.
Theo luật sư Luân Lê, việc nhận tội trên truyền hình là một việc làm "không đúng nguyên tắc'.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Luân Lê viết:
"Việc thú nhận tội trên truyền hình là một việc làm không đúng nguyên tắc chứng minh và kết tội. Nó không đảm bảo là chứng cứ để sử dụng trong vụ án, thậm chí nó còn là chứng cứ chứng minh sự vi phạm của cơ quan tố tụng tại một giai đoạn tố tụng tiếp theo nào đó. Việc thú nhận tội trên truyền hình cũng làm cho bản chất vụ án bị hiểu sai đi, việc chứng minh bị làm cho thay đổi và việc kết tội trở nên là hiển nhiên (vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội)."
"Mọi chứng cứ và việc chứng minh phải qua một quá trình tố tụng và chỉ được xem xét thẩm tra trực tiếp tại phiên toà chứ không phải là cảnh sát. Cảnh sát chỉ thu thập và đánh giá ở giai đoạn của mình, nên nó vẫn chưa đảm bảo là chứng cứ được buộc tội, mà phải bảo vệ tại toà án."
"Chính vì thế mà ở mô hình tố tụng tranh tụng ở các nước văn minh trên thế giới, họ phải đưa ra một phiên toà sơ bộ gọi là phiên toà xem xét chứng cứ để xem chứng cứ nào bị loại và chứng cứ nào có thể được sử dụng, nhưng các chứng cứ được sử dụng này vẫn phải được tranh tụng một lần nữa tại phiên toà giải quyết vụ án."
"Nếu tiếp tục đưa việc thú nhận tội lên truyền hình là đang vi phạm các nguyên tắc chứng minh và chứng cứ trong tố tụng hình sự."