Cháy rừng ở Úc đang là thảm họa rất lớn tới mức có thể thấy rõ từ ngoài trái đất. Mới đây phi hành gia của NASA đã chia sẻ những hình ảnh ghi lại được từ trạm vũ trụ. Dưới đây là những thông tin chi tiết. Nước Úc trong những tháng gần đây đang phải đối mặt với những đợt cháy rừng với quy mô kinh khủng nhất trong nhiều thập kỷ vừa qua. Vụ cháy được xem là "đại thảm họa", với hơn 1 tỉ sinh vật đã bị chết cháy, số người tử vong lên tới cả chục người, trong khi hàng triệu ha đất chịu ảnh hưởng.
Ở thời điểm hiện tại, một số khu vực tại Úc đã xuất hiện mưa lớn, qua đó nhiều người kỳ vọng sẽ góp phần kìm hãm bớt thảm họa không để lan rộng. Nhưng trên thực tế, những vụ cháy rừng vẫn đang tiếp tục xảy ra. Và mới đây, một phi hành gia từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã chia sẻ một số hình ảnh về vụ cháy này đến từ vũ trụ.
Cụ thể, người chia sẻ là Christina Koch - một phi hành gia đến từ NASA. Koch hiện đang sống trên trạm ISS, và những bức hình cô chụp được thực hiện từ độ cao 400km so với mặt đất. "Nước Úc, trái tim và suy nghĩ của chúng tôi hướng về các bạn," - nguyên văn đoạn tweet Koch chia sẻ trên Twitter. Thành thật mà nói, có lẽ ai nhìn thấy những hinh ảnh này cũng phải đau lòng.
Từ hình ảnh của Koch, có ít nhất 70% diện tích nước Úc bị bao phủ bởi làn khói xám nâu từ vụ cháy. Theo dữ liệu của NASA, đám khói ấy đã lan rộng đi nhiều khu vực khác trên thế giới, khiến bầu trời tại Nam Mỹ cũng trở nên mờ đục. Một số chuyên gia cũng dự đoán rằng đám khói sẽ nhanh chong đi một vòng quanh Trái đất, rồi quay trở lại nước Úc vào cuối hành trình.
Khói mù từ vũ trụ
Hệ thống vệ tinh đã dõi theo vụ cháy tại Úc trong nhiều tuần qua, và thực tế thì các camera từ vũ trụ cũng xác định được nhiều điểm cháy dữ dội, lớn đến mức mắt người cũng có thể quan sát.
Chính nhờ những dữ liệu này, hệ thống cứu hỏa tại Úc mới có thể xác định được những khu vực là trung tâm gây cháy, từ đó đưa ra giải pháp ngăn chặn chúng lại. Dẫu vậy, hệ quả từ vụ cháy - đặc biệt là đối với khói mù có thể gây ra những tác động khó lường. Các hạt vật chất trong khói có thể gây kích ứng cho hệ hô hấp và mắt người, dễ tác động đến tim và gây ra các bệnh về phổi. Tại Mỹ, 20.000 người đã phải chết mỗi năm chỉ vì tác động của khói mù.
Được biết, đám cháy tại Úc bắt đầu từ tháng 9/2019, nhưng trở nên mất kiểm soát trong tháng 12 - thời điểm nước Úc chịu đợt nắng hạn kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Một số khu vực - như vừa nêu - đã xuất hiện mưa, góp phần giải tỏa gánh nặng. Nhưng nhìn chung, đa số các đám cháy vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Thảm họa lửa đến từ biến đổi khí hậu
Hầu hết các đám cháy tại Úc bắt nguồn với các nguyên nhân tự nhiên (sấm sét...), nhưng giống như đa số các vụ cháy thảm họa vào những năm gần đây, lý do chúng trở nên mất kiểm soát đến từ quá trình biến đổi khí hậu.
Nồng độ CO2 trong không khí tăng lên khiến nhiệt độ Trái đất ngày càng cao, và từ đó kéo dài thời tiết khô hạn nóng bức. Nước cũng bốc hơi nhanh hơn, và tất cả khiến nguy cơ cháy rừng gia tăng.
Đây không phải vấn đề của riêng nước Úc. Năm 2018, California (Mỹ) hứng chịu một trong những đợt cháy kinh khủng nhất lịch sử, trong khi Siberia cũng mất 26.000 km2 đất vì hỏa hoạn. Những vụ cháy tạo nên một vòng luẩn quẩn: lửa càng rộng, càng nhiều khí nhà kính thải ra, khí hậu càng nóng lên, rồi cháy rừng lại tiếp tục xảy ra.
Theo Richard Betts - giáo sư khí tượng từ ĐH Exeter, những sự kiện tương tự như vụ cháy "đại thảm họa" của Úc sẽ sớm trở nên phổ biến, nếu như nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, nhiệt độ trung bình tại Úc đã đạt ngưỡng tăng 1,4 độ C, trong khi toàn cầu chỉ là 1,1 độ.
"Chúng ta đang chứng kiến những hiện tượng sẽ trở nên phổ biến khi thế giới chạm ngưỡng tăng 3 độ C," - Betts cho biết. "Nó cho thấy tương lai của Trái đất có thể như thế nào." Nhưng trước tình cảnh như vậy, thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết đất nước chưa lên kế hoạch để hạn chế khí thải từ ngành công nghiệp than đá.
Cuối tuần trước, có hơn 30.000 người đã tổ chức tuần hành tại Sydney, nhằm kêu gọi và thúc giucj nhà chức trách sớm giải quyết được cháy rừng, đồng thời đề ra các kế hoạch giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chưa rõ việc làm này có hiệu quả hay không, chỉ biết rằng mùa hè của nước Úc sẽ còn kéo dài trong ít nhất 2 tháng tới.