02/16/20
Sự phản đối của người Palestine và cộng đồng quốc tế đối với Kế hoạch Hòa bình Trung Đông do Mỹ và Israel là đáng kể, song liệu chừng đó có đủ để cản bước Washington và Tel Aviv?
Phô mai Thụy Sỹ
Bên cạnh núi non hùng vĩ, hãng sản xuất đồng hồ danh tiếng cùng các ngân hàng lâu đời với vô vàn tài khoản giấu tên, Thụy Sỹ còn nổi tiếng vì món phô mai nổi tiếng. Hình ảnh miếng phô mai tam giác với lỗ nhỏ li ti đã đi vào lòng bao thế hệ qua bộ phim hoạt hình danh tiếng Tom & Jerry.
Tối ngày 12/2, hình ảnh ấy một lần nữa xuất hiện, không phải trên kênh hoạt hình Cartoon Network, mà tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc về vấn đề Israel - Palestine ở trụ sở Liên hợp quốc, New York (Mỹ).
Nó được Tổng thống Palestine sử dụng để nhắc nhở thế giới về bĩ cảnh của Palestine, một khi Kế hoạch Hòa bình Trung Đông được Mỹ và Israel bảo trợ thành hiện thực. Theo ông Mahmoud Abbas, đất nước Palestine hậu “thỏa thuận thế kỷ” do Tổng thống Donald Trump đề xuất sẽ chẳng khác nào miếng phô mai Thụy Sỹ với vô vàn những lỗ nhỏ là các khu định cư của người Israel.
Bất kỳ ai, dù là công nhân nhà máy hay lãnh đạo quốc gia, đều không muốn chứng kiến chủ quyền quê hương, tổ quốc bị xâm hại hay chiếm đóng bởi một thế lực khác.
Phản ứng giận dữ của Tổng thống Palestine, lên án kế hoạch “bất hợp pháp, phi lý và thiên vị” là dễ hiểu. Ông tin rằng một “thỏa thuận thế kỷ” như vậy sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) và Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc tiến hành hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông; thúc đẩy thực hiện các nghị quyết HĐBA và Sáng kiến hòa bình Arab.
Nhiều nước thành viên HĐBA đã tái khẳng định lập trường về vấn đề Israel - Palestine, bày tỏ quan ngại về khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và việc thúc đẩy xây dựng các khu định cư, cho rằng các hành động này trái với luật pháp quốc tế.
Bĩ cảnh kéo dài
Song từng đó có lẽ chưa đủ để ngăn Kế hoạch Hòa bình Trung Đông được Mỹ và Israel bảo trợ.
Đầu tiên, theo dự kiến, tại cuộc họp vừa qua, HĐBA sẽ lên án đề xuất đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế của Tổng thống Donald Trump và bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, thực tế lại khác: Theo The Washington Post, Cố vấn Tổng thống Jared Kushner đã gặp và vận động nhiều ngoại giao tại HĐBA ủng hộ nỗ lực của Mỹ.
Kết quả, ngôn ngữ của HĐBA về vấn đề này đã “hạ tông” nhiều so với dự thảo ban đầu; yêu cầu tiến hành bỏ phiếu về Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ bị rút lại, tránh đối đầu với Washington và lá phiếu phủ quyết.
Thật vậy, Mỹ là ủy viên thường trực của HĐBA, trong khi Israel duy trì tầm ảnh hưởng nhất định về chính trị - kinh tế - quân sự tại Trung Đông. Khi đó, Palestine có thể vận động được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và thế giới Arab, nhưng sẽ khó thông qua bất kỳ dự thảo nghị quyết nào lên án Mỹ hay Israel.
Bên cạnh đó, Mỹ và Israel chắc chắn sẽ không từ bỏ Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, khi nó phục vụ lợi ích quốc gia và củng cố vị thế chính trị của hai nhà lãnh đạo. Với Mỹ, đó là thắt chặt quan hệ đồng minh thân thiết với Israel, trụ cột của quốc gia này trong chính sách lâu đời tại Trung Đông bên cạnh Saudi Arabia, nhằm chống Iran và duy trì tầm ảnh hưởng tại Syria.
Với Tổng thống Donald Trump, đó là hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng Do Thái với tiềm lực kinh tế và tầm ảnh hưởng lớn tại Mỹ. Với Israel, đó là khép lại tranh chấp từ khi lập quốc với Palestine và chính thức đưa Jerusalem trở thành thủ đô của người Do Thái, hoàn thành điều răn trong đạo của người Do Thái. Với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đó là củng cố vị thế chính trị trong bối cảnh ông đang đối mặt với các cáo buộc trốn thuế, gian lận trước thềm bầu cử.
Cuối cùng, người Palestine đang ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Kế hoạch Hòa bình Trung Đông do Mỹ và Israel bảo trợ giống hiệp ước đầu hàng vô điều kiện hơn là một thỏa thuận bình đẳng.
Chấp nhận, Palestine sẽ chẳng khác nào chú cừu an phận trở thành mồi cho đàn chó sói.
Phản đối, chú cừu này cũng khó tránh khỏi kiếp bị truy đuổi và săn lùng.
Tia hy vọng của người Palestine rõ ràng nằm ở sự lựa chọn thứ hai và Tổng thống Mahmoud Abbas đã thể hiện rõ lập trường này trong cuộc họp vừa qua tại HĐBA LHQ ngày 12/2.
Cuộc đấu tranh chính nghĩa của người dân Palestine đang khó khăn hơn bao giờ hết, song họ không hề đơn độc bởi sát cánh cùng họ có cộng đồng quốc tế vì lẽ phải, thượng tôn luật pháp quốc tế, với Việt Nam là thành viên tích cực.
TGVN