Một mẹ nghèo rứt ruột quyết định làm điều tương tự với nhiều bà mẹ nghèo ở Philippines – bán con làm con nuôi một cách bất hợp pháp. Hiện tại người mẹ nghèo này ra giá 200 USD và bất cứ ai trả đủ sẽ được nhận nuôi bé trai của cô, vì nhiều bậc cha mẹ tại Philippines không đủ khả năng tài chính đang tìm cách rao bán “chui” những đứa trẻ mới lọt lòng thông qua các chợ đen trên không gian mạng.
Hành động rao bán, nhận nuôi trẻ em trái phép từ lâu đã được coi là một vi phạm hình sự nghiêm trọng tại Philippines. Để tránh bị phát hiện, nhiều cá nhân, tổ chức tiếp tục tiến hành mua bán "chui" trên không gian mạng thông qua nền tảng mạng xã hội Facebook - báo cáo của Channel NewsAsia (CNA) ngày 9/3 cho hay.
Tâm sự của những người mẹ bán con
Tại khu ổ chuột tại thủ đô Manila, Philippines, người dân nơi đây thường thu gom rác để kiếm sống.
Một cư dân của khu ổ chuột, Christine, trở thành mẹ đơn thân ở tuổi 29. Do cha sớm qua đời, bé trai mới lọt lòng hơn 2 tháng chỉ có Christine là nguồn sống, là người bảo vệ duy nhất. Tuy nhiên, bé không hề biết rằng mình sẽ sớm bị mẹ đẻ bán để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Christine hiện đang thất nghiệp và sống cùng bà ngoại. Tổng thu nhập của gia đình chỉ ở mức 2 USD/ngày. Với họ, việc tồn tại là một cuộc đấu tranh không hồi kết. Ngay khi Christine mang thai, cô sớm biết đứa trẻ sẽ phải vật lộn trong cuộc sống khắc nghiệt này.
Chính vì thế, cô cho rằng việc mang thai ngoài ý muốn mở ra cơ hội tài chính để gia đình cô có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhân vật trong bài Christine chia sẻ. Nguồn: CNA
Trong suy nghĩ của cô, cho người khác nhận nuôi con sẽ đảm bảo cho đứa bé một cuộc sống sung túc, đầy đủ. Mặt khác, cô cũng được hưởng lợi từ việc này. Cô quyết định làm điều tương tự với nhiều bà mẹ nghèo ở Philippines – bán con làm con nuôi một cách bất hợp pháp. Hiện tại Christine ra giá 200 USD và bất cứ ai trả đủ sẽ được nhận nuôi bé trai của cô.
Dù đau lòng nhưng cô cho biết đây là việc làm cần thiết để làm lại cuộc đời.
"Tôi có thể sử dụng số tiền bán con để bắt đầu kinh doanh," Christine nói với CNA. Cô tin rằng cần sớm thực hiện việc này trước khi tình mẫu tử thêm sâu nặng.
"Tôi cần điều này cho bản thân và cho chính đứa con. Không phải là tôi muốn bán con. Nhưng tôi thật sự cần tiền."
Câu chuyện buồn của Christine chỉ là một trường hợp tại Philippines.
Nạn buôn bán trẻ em tại Philippines
Hành động nhận nuôi "tiền trao cháo múc" như trên đủ điều kiện cấu thành tội hình sự buôn bán trẻ em theo luật pháp Philippines. Những người phạm tội có thể chịu án chung thân hoặc phạt hành chính từ 40.000 đến 99.000 USD.
Tuy nhiên, các án phạt nghiêm khắc không làm giảm số vụ mua bán trẻ em bất hợp pháp, tập trung chủ yếu ở cộng đồng người nghèo tại Philippines.
Theo Cục Điều tra Quốc gia (NBI) – cơ quan hàng đầu trong cuộc chiến chống buôn người bất hợp pháp tại Philippines, giá một trẻ sơ sinh trên chợ đen dao động từ 100 USD đến 500USD và người mua chủ yếu là công dân Philippines.
Giao dịch mua bán con nuôi như thế này thường thông qua hình thức truyền miệng. Người bán, người môi giới lẫn người mua đều cẩn thận che giấu hành tung, bằng chứng liên quan nhằm tránh bị bắt.
Chợ đen trực tuyến
CNA cho hay, trong thời gian gần đây, mạng xã hội trở thành một công cụ đắc lực cho các bên tham gia mua bán trẻ em trái phép. Chợ đen trên Facebook xuất hiện nhiều với tần suất chóng mặt nhờ vào tính ẩn danh trên không gian mạng. Người mua, kẻ bán và "cò" sử dụng tài khoản ảo nhằm che giấu danh tính thực trước sự điều tra của cơ quan thi hành luật. Những cá nhân, tổ chức này đang lợi dụng hệ thống quản lý lỏng lẻo để phục vụ cho việc mua bán trái phép.
Theo NBI, việc nhận nuôi bất hợp pháp đã tồn tại ở Philippines 15-20 năm nay nhưng các chợ đen trực tuyến là một hiện tượng mới đáng lo ngại.
Cục Điều tra Quốc gia Philippines (NBI) nhận định về tình hình mua bán trẻ em trực tuyến. Nguồn: CNA
Theo Ronald Aguto, Giám đốc Chiến dịch quốc tế thuộc NBI, việc quảng cáo con nuôi trên mạng được xếp vào tội "cố ý buôn người" – tội danh có thể chịu nhiều án phạt nặng.
Bài đăng mua bán trẻ em với nhiều lượt bình luận vẫn khá dễ tìm thấy trên Facebook. Thậm chí, nhiều trang, nhóm trên mạng xã hội này còn mở thảo luận công khai chi tiết về độ tuổi, giới tính, hình ảnh của trẻ bị mua bán.
Theo ông Aguto, nhiều đối tượng còn giả mạo cơ quan chính thức giám sát việc nhận con nuôi ở Philippines - Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển (DSWD) - bằng cách dùng logo của Bộ. Vài năm trước, báo cáo về một trường hợp như vậy khiến Facebook phải xoá tài khoản này ngay lập tức.
Trang Facebook nhận nuôi trẻ em trái phép. Nguồn: Facebook
Theo đại diện của Facebook, công ty mới đây đã phát triển chính sách riêng về hành vi mua bán người.
"Chúng tôi có chính sách không khoan nhượng đối với hành vi mua bán người, bao gồm mua bán trẻ em làm con nuôi bất hợp pháp. Chúng tôi cực kỳ nghiêm túc với vấn đề này và cam kết sử dụng các công nghệ nhằm chủ động phát hiện, báo cáo, tìm ra và xoá các nội dung liên quan nhanh nhất có thể. Chúng tôi cũng làm việc với các cơ quan hành pháp ngay khi phát hiện mối nguy hại trên nền tảng Facebook," CNA dẫn câu trả lời của người phát ngôn Facebook.
Mọi người dùng được khuyến khích báo cáo với Facebook hay cơ quan hành pháp nếu thấy hành vi liên quan đến buôn bán, khai thác con người. Công ty này cũng cho biết mọi nội dung trên nền tảng, từ bình luận, bài đăng, hồ sơ, nhóm,... đều có thể được báo cáo và xem xét trong thời gian nhanh nhất có thể.
Tại sao phải nhận nuôi đúng cách?
Tại Philippines, việc nhận con nuôi được coi là hợp pháp nếu do Bộ Phúc lợi và Phát triển Xã hội hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện.
Nhà chức trách nước này cho biết nếu việc nhận nuôi không thông qua các quy trình hành chính và thủ tục pháp lý thì có thể mang động cơ "phi đạo đức và không dựa trên lợi ích của trẻ em."
Yvette T Coronel, Phó giám đốc điều hành của Hội đồng liên ngành Chống buôn bán trẻ em thuộc Bộ tư pháp Philippines cho biết, "Các quy trình này từng bước xác định thành ý của người nhận nuôi - người đó có thật sự muốn nhận đứa trẻ là con không - và phải chứng minh khả năng nhận nuôi."
Mặt khác, nếu người nhận nuôi muốn "đi tắt" thì có vẻ như họ không thật sự chân thành muốn nhận nuôi trẻ mà muốn kiếm lời nhanh chóng – lập tức thu hồi vốn đầu tư như trong kinh doanh vậy.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO), phần lớn trẻ em bị mua bán trên thế giới để làm giúp việc cho các gia đình. Thông thường, những trẻ này được nuôi dưỡng với mục đích bóc lột cụ thể như làm việc trong trang trại, cơ sở kinh doanh; trở thành lao động tình dục hay chịu nhiều hình thức lạm dụng khác. Tuy nhiên cho tới nay, nhiều người Philippines có vẻ vẫn không hề hay biết thực trạng đáng buồn này.