Khi người dân nhiều nước trên thế giới đang cho rằng Trung Quốc thả virus ra với mục đích thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ đã tiết lộ nguồn gốc virus Corona.
Khi một đại dịch toàn cầu bùng nổ cũng là lúc chúng ta nhìn lại những điều con người đã "phạm lỗi" với hành tinh này.
Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ Viện One Health Institute thuộc Đại học California, Mỹ, tác động của con người lên quần thể động vật trên toàn thế giới là một phần tác nhân dẫn tới những căn bệnh mới xuất hiện và lây lan trong cộng đồng loài người.
Cụ thể, các nhà khoa học chỉ ra, việc con người đang ngày càng khai thác thế giới tự nhiên một cách quá mức, bao gồm việc săn bắn, buôn bán, làm suy thoái môi trường sống và quá trình đô thị hóa quá nhanh đã làm thay đổi quần thể động vật có vú, dẫn tới nguy cơ gia tăng những căn bệnh truyền nhiễm xuất phát từ động vật lây sang người.
Nói cách khác, khi con người ngày càng tiếp cận quá nhiều với đời sống tự nhiên, chúng ta có nguy cơ tiếp xúc với nhiều loài động vật hoang dã có thể chứa mầm bệnh lây nhiễm cực kỳ nguy hiểm mà trước nay khoa học chưa hề biết tới.
Nhà dịch tễ học Christine Johnson, giám đốc nhóm nghiên cứu EpiCenter for Disease Dynamics và là tác giả chia sẻ: "Sự lan truyền của virus từ động vật sang người là hậu quả rõ nhất cho thấy những tác động của con người đối với thiên nhiên hoang dã và môi trường sống của chúng. Hậu quả là chính chúng ta đang lây lan virus cho nhau".
Johnson nói thêm: "Khi môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, động vật hoang dã sẽ tiếp cận gần hơn với con người. Động vật hoang dã cũng thay đổi sự phân bố của chúng để thích nghi với các hoạt động của con người, bao gồm thay đổi cảnh quan tự nhiên. Điều này tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các căn bệnh liên quan đến các loài động vật hoang dã và bùng nổ đại dịch toàn cầu".
Trong thế kỷ trước, nhiều căn bệnh truyền nhiễm và bùng phát thành đại dịch đều xuất phát từ một số loài động vật hoang dã. Kết quả mới nhất cũng cho thấy, các loài động vật có vú là một phần nguyên nhân làm lây lan bệnh truyền nhiễm.
Ngay cả thú nuôi trong nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho con người
Bằng cách so sánh dữ liệu tổng hợp tính tới năm 2013 về động vật có vú hoang dã và đã qua thuần hóa với danh sách khoảng 142 loại virus truyền từ động vật sang người, nhóm nghiên cứu sau đó kiểm tra các mô hình về sự phong phú của loài, nguy cơ tuyệt chủng và nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng suy giảm loài.
Theo Sciencedaily, có ba nhóm động vật có nguy cơ lan truyền virus cao nhất, bao gồm các loài đã qua thuần hóa, loài thích nghi được với đời sống của con người và các loài có nguy cơ tuyệt chủng có liên quan đến săn bắn, mất môi trường sống.
Không bất ngờ khi hầu hết các động vật đã thuần hóa như vật nuôi có thể lây nhiễm virus cao nhất cho chủ nuôi của chúng. Đây là kết quả từ việc con người đã tương tác gần gũi với các loài vật đã qua thuần dưỡng suốt nhiều thế kỷ qua. Thậm chí nguy cơ lây nhiễm từ những loài vật đã thuần hóa còn cao hơn gấp 8 lần so với động vật hoang dã.
Trong nhóm động vật hoang dã, những loài có quần thể lớn và đã quen với môi trường sống có con người, ví dụ như rơi, động vật gặm nhấm và linh trưởng tiềm ẩn nguy cơ lây truyền virus cao nhất cho con người.
Thậm chí ngay cả với những loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa phá hủy môi trường sống có nguy cơ lây nhiễm virus cao hơn gấp đôi so với những loài suy giảm quần thể vì lý do khác. Nói cách khác, khi có sự xuất hiện của con người xung quanh môi trường sống của các loài này, nguy cơ lây lan virus càng thể hiện rõ rệt hơn.
Nhóm tác giả nghiên cứu cho rằng, mặc dù đã có nhiều thông tin về các mẫu virus lây truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên có vẻ như con người đang chủ quan trong việc đánh giá sự lan truyền của các mần bệnh đó trong cộng đồng, để rồi dẫn tới thảm kịch Covid-19 hiện nay.
Sách đỏ ICUN năm 2019 tiết lộ, khoảng 1/4 động vật có vú hoang dã trên thế giới đang bị đe dọa vì tác động của loài người. Quá trình đô thị hóa và hoạt động săn bắn, phá hủy môi trường của con người đã vô tình làm giảm sự đa dạng của các loài động vật trên Trái Đất. Nhưng bên cạnh đó, một số loài đã biết cách thích nghi với hành vi của con người và chung sống, ví dụ như các loài gặm nhấm.
Tuy nhiên điều đáng lo ngại là những loài động vật học cách làm quen với sự hiện diện của con người lại dễ mang trong mình những mầm bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Johnson nhấn mạnh: "Chúng ta phải chú ý đến cách con người tương tác với động vật hoang dã các hoạt động có thể khiến con người và động vật hoang dã tiếp xúc gần với nhau. Chúng ta rõ ràng không muốn đại dịch bùng phát với quy mô như hiện nay. Do đó con người cần tìm cách sống chung một cách an toàn với các loài động vật hoang dã vì chúng chứa đủ thứ virus và có thể lây cho chúng ta bất cứ lúc nào".