Vất vả đối phó Covid-19, Ấn Độ lại gồng mình chống đỡ siêu bão sức gió 250km/giờ. Từ ngày 18/5, Ấn Độ bắt đầu sơ tán hàng ngàn người dân, ngừng toàn bộ các hoạt động ở cảng biển khi siêu bão Amphan sắp đổ bộ vào bờ biển phía đông.
Siêu bão Amphan đang ngày càng trở nên nguy hiểm.
Theo Daily Mail, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Ấn Độ lại sắp phải hứng chịu siêu bão nguy hiểm. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 17.5 đã thông báo kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc đến hết tháng 5 vì dịch bệnh vẫn lây lan mạnh
Ở ngoài khơi, siêu bão Amphan với sức gió lên tới 250km/giờ đang âm thầm tiến vào bờ. Siêu bão đã mạnh tới cấp 5 trong thang dự báo bão của Mỹ, dự kiến sẽ đổ bộ vào bờ đông Ấn Độ trong ngày 20.5.
Khu vực bang Tây Bengal, giáp biên giới Bangladesh, có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề nhất do mật độ dân cư đông, đa số dân nghèo. Siêu bão đổ bộ vào khu vực này có thể kéo theo những cơn sóng cao tới 9m.
Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia có quãng thời gian phong tỏa toàn quốc dài nhất. Dịch bệnh đã khiến hơn 100.000 người nhiễm virus và 3.156 ca tử vong.
Bang Odisha và Tây Bengal đã cử một nhóm kiểm soát thảm họa đến từng ngôi nhà không đảm bảo an toàn để yêu cầu người trong nhà đi sơ tán.
“Chúng tôi sơ tán những người sống ở vùng thấp, nhà cửa xây dựng sơ sài, cũng như đảm bảo rằng họ tuân thủ các quy định ngăn ngừa Covid-19”, quan chức Ấn Độ nói, nhấn mạnh rằng nhiệm vụ này không hề dễ dàng.
Mùa mưa bão ở Ấn Độ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12, với nhiều trận bão lớn, thường gây ra tình trạng tử vong trên diện rộng.
Chính quyền địa phương đã phong tỏa các cảng biển ở Odisha và vịnh Bengal, cấm người dân ra khơi trong thời điểm này.
Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi đã nhóm họp khẩn cấp ở New Delhi để bàn về cách giảm thiểu đến tối thiểu thiệt hại do siêu bão gây ra.
Theo các thông tin dự báo, siêu bão Amphan sẽ còn gia tăng sức mạnh trước khi đổ bộ vào đất liền, kéo theo lũ quét và mưa lớn.
Với đường bờ biển dài hơn 7.500km, Ấn Độ phải hứng chịu khoảng 1/10 số cơn bão nhiệt đới trên thế giới mỗi năm, phần lớn trong số đó quét qua bờ biển phía đông gần vịnh Bengal.
VietBF@ sưu tầm.