Hàng trăm đối tượng như điên loạn đi đập phá cửa hàng và tấn công cảnh sát tại thành phố Stuttgart, Đức vào cuối tuần qua.
Giới chức thành phố Stuttgart, tây nam Đức thông báo cảnh sát đã bắt giữ hơn 20 người có liên quan tới vụ bạo loạn tại trung tâm thành phố vào sáng sớm ngày 21/6. Hơn 10 cảnh sát đã bị thương khi tình hình bị “mất kiểm soát hoàn toàn” và các đối tượng tấn công cảnh sát “cực kỳ hung hăng”. (Ảnh: AFP)
Các nhà điều tra cho biết nguyên nhân ban đầu dẫn tới vụ bạo loạn xuất phát từ việc cảnh sát Đức tiến hành kiểm tra một thanh niên 17 tuổi vì nghi sử dụng ma túy. Sau đó, đám đông bắt đầu đổ về quảng trường Schlossplatz lớn nhất thành phố, vây quanh đối tượng trên và tấn công cảnh sát. Ước tính từ 400-500 người đã tham gia vụ bạo loạn, trong đó chủ yếu là thanh niên. (Ảnh: EPA)
Căng thẳng leo thang vào nửa đêm khi các đối tượng bạo loạn ồ ạt kéo về trung tâm thành phố tấn công cảnh sát bằng đá và chai lọ, dùng gậy để đập vỡ cửa xe cảnh sát. Nhóm người sau đó tiếp tục chia thành các nhóm nhỏ, đập phá các cửa hàng và cướp bóc dọc Koenigstrasse nơi có tuyến đường mua sắm lớn. (Ảnh: DPA)
Cảnh sát và trực thăng đã được huy động để đối phó với đám đông bạo loạn và đã kiểm soát tình hình chỉ vài giờ sau đó. Những hình ảnh ghi lại từ hiện trường cho thấy các cửa hàng điện thoại, quần áo bị cướp đồ và phá hoại, gây thiệt hại nặng nề. (Ảnh: Reuters)
Quan chức Nội vụ khu vực Thomas Strobl mô tả vụ bạo loạn là “chưa từng có tiền lệ”, trong khi nghị sĩ Sascha Binder thuộc đảng Dân chủ Xã hội cho biết “cảnh tượng giống như nội chiến”. Thị trưởng Stuttgart Fritz Kuhn cho biết ông “sốc” trước tình trạng bạo lực và sự tàn phá của vụ bạo loạn, đồng thời tuyên bố sẽ không có chỗ cho “sự vô pháp” tại thành phố này. (Ảnh: Reuters)
“Những cảnh tượng không thể tin nổi khiến tôi không nói lên lời. Trong 46 năm công tác trong ngành cảnh sát, tôi chưa bao giờ trải qua điều này”, cảnh sát trưởng thành phố Stuttgart Frank Lutz nói về vụ bạo loạn. Tổng cộng 9 cửa hàng bị cướp phá trong khi 14 cửa hàng khác bị tàn phá nặng nề. (Ảnh: DPA)
Khi được hỏi về quốc tịch của 12 người bị bắt giữ không phải công dân Đức, nghị sĩ Berger cho biết họ đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Croatia, Bồ Đào Nha, Afghanistan và Somalia. (Ảnh: EPA)
Cảnh sát loại trừ khả năng có động cơ chính trị sau vụ bạo loạn, tuy nhiên vụ việc nổ ra khi nhiều quốc gia, trong đó có Đức, đang chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc trong những tuần gần đây. (Ảnh: Reuters)
VietBF@sưu tập