Diễn biến dịch Covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp và chưa thể khống chế. Tính đến sáng nay 25/7, thế giới ghi nhận gần 16 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 641.000 người chết, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Mỹ và châu Phi.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 15.905.118 ca nhiễm và 641.155 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 272.407 và 5.742 trong 24 giờ qua, trong khi 9.690.003 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Bác sĩ đeo đồ bảo hộ ở Colombia ngày 24/7. Ảnh: AFP.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 4.242.634 ca nhiễm và 148.350 người chết, tăng lần lượt 72.316 và 1.001 ca trong 24 giờ qua. Mô hình nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cuối tháng trước dự đoán ca tử vong do nCoV ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng tới.
California là bang báo cáo nhiều ca nhiễm nhất nước với hơn 435.000 ca và liên tục ghi nhận ngày tăng ca tử vong kỷ lục. Một nửa số ca tử vong ở California là tại hạt Los Angeles.
Nhiều bang dừng hoặc rút lại kế hoạch tái mở cửa khi ca nhiễm tăng mạnh trở lại. Lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường đã được áp dụng tại hàng loạt địa phương. Thị trưởng Washington D.C. Muriel E. Bowser ngày 22/7 ra lệnh người từ hai tuổi trở lên phải đeo khẩu trang khi rời nhà và nhiều khả năng tiếp xúc với người khác.
Tại Brazil, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ca tử vong đã tăng lên 85.238 sau khi ghi nhận thêm 1.031 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 53.415 trong 24 giờ qua, lên 2.343.366.
Quốc gia 212 triệu dân gần đây liên tục ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày. Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm ở Brazil có thể cao hơn nhiều do xét nghiệm hạn chế.
Một số cửa hàng, nhà hàng và quán bar đã nối lại hoạt động với chính sách khác nhau giữa các địa phương, trong khi toàn bộ trường học vẫn phải đóng cửa. Những bãi biển tại thành phố Rio de Janeiro đã mở cửa cho người dân tới tập thể dục và chơi thể thao dưới nước, nhưng họ thường không đeo khẩu trang hoặc tuân thủ các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, hoãn vô thời hạn lễ hội carnival vốn được lên kế hoạch tổ chức vào tháng hai năm sau. Rio de Janeiro đang cân nhắc động thái tương tự.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 22/7 lại làm xét nghiệm nCoV và tiếp tục dương tính với virus. Văn phòng Tổng thống cho biết sức khỏe của ông đã được cải thiện.
Peru, vùng dịch lớn thứ hai Mỹ Latinh và xếp thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 4.865 ca nhiễm và 189 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 375.961 và 17.843.
Peru hồi tháng ba áp lệnh phong tỏa để ngăn nCoV lây lan, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do tổn hại kinh tế ngày càng gia tăng. Nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm vực dậy nền kinh tế, bất chấp những rủi ro của đại dịch.
Các trung tâm thương mại mở cửa với số lượng khách nhất định. Peru nối lại hàng không nội địa và xe buýt liên tỉnh từ 16/7, tất cả hành khách phải đeo khẩu trang.
Mexico là vùng dịch lớn thứ bảy thế giới với 370.712 ca nhiễm và 41.908 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 8.438 và 718 ca. Các trường học vẫn phải đóng cửa. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar mở cửa một phần, trong khi giao thông công cộng hoạt động bình thường.
Mexico siết chặt hạn chế tại những điểm thu hút khách du lịch. Giới chức ở Tulum, thị trấn nổi tiếng với các bãi biển, cảnh báo phạt hoặc bắt những người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Bang Yucatan áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm, rút ngắn thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, cấm bán rượu và đóng cửa bến du thuyền.
Chile xếp thứ tám thế giới với 341.304 ca nhiễm và 8,.14 ca tử vong, tăng lần lượt 2.357 và 116 ca so với hôm trước. Các trường học, nhà hàng và quán bar tại nước này vẫn đóng cửa. Giao thông công cộng cũng chỉ nối lại một phần trong những khung giờ nhất định và chỉ những cửa hàng bán đồ thiết yếu mới được phép tái mở cửa.
Bộ trưởng Y tế Enrique Paris ngày thông báo một số phần của thủ đô Santiago sẽ được dần dần mở lại từ 28/7. Cư dân ở vùng ngoại ô phía đông ít dân cư và giàu có hơn của thủ đô sẽ được phép tụ tập thành các nhóm nhỏ và rời khỏi nhà mà không cần sự cho phép của cảnh sát như trước đây.
Nam Phi đã trở thành vùng dịch thứ năm thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh tại châu Phi với 421.996 ca nhiễm và 6.343 ca tử vong trong bối cảnh giới chuyên gia lo ngại châu Phi sẽ là điểm nóng dịch bệnh tiếp theo. Tổng thống Cyril Ramaphosa áp lệnh phong tỏa hồi tháng 3, nhưng bắt đầu nới lỏng một số hạn chế vào tháng 6 để cho phép hoạt động kinh tế tiếp tục.
Ông Ramaphosa ngày 24/7 thông báo trường công sẽ đóng cửa 4 tuần, từ 27/7 đến 24/8. Năm học năm nay sẽ được kéo dài đến cuối năm 2020.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 154 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 13.046. Số ca nhiễm tăng thêm 5.811, lên 800.849.
Chính phủ Nga thông báo đã kiểm soát được đại dịch, nhưng vẫn sẵn sàng phương án đối phó đợt bùng phát thứ hai có thể diễn ra vào mùa thu. Nga lên kế hoạch nối lại một số chuyến bay quốc tế từ ngày 1/8, nhưng danh sách các điểm đến ban đầu chỉ bao gồm Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.
Các nhà hàng, phòng gym và đi lại nội địa ở Nga được phép mở lại nhưng cần tuân thủ các chỉ thị về giãn cách xã hội. Rạp hát ở Moskva sẽ mở lại từ 1/8 sau 4 tháng đóng cửa nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 2.255 ca nhiễm và ba ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 319.501và 28.432. Đây là một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, nhưng được cho là đã kiểm soát ổn định tình hình. Quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế được tiến hành theo nhiều giai đoạn từ hồi tháng 5, trong đó trường học vẫn phải đóng cửa.
Tuy nhiên, Barcelona, thành phố lớn thứ hai của đất nước, ghi nhận ca nhiễm tăng mạnh trong tuần qua. Giới chức đóng cửa các rạp chiếu phim, nhà hát, câu lạc bộ đêm, cấm tụ tập hơn 10 người và thúc giục người dân ở nhà từ 18/7.
Chính quyền Madrid cho biết họ có thể bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong mọi tình huống, ngay cả khi có thể đảm bảo được giãn cách xã hội có thể được đảm bảo. Madrid và Quần đảo Canary là hai khu vực duy nhất chưa áp quy định như vậy.
Anh báo cáo thêm 768 ca nhiễm và 123 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 297.914 và 45.677.
Theo báo cáo công bố hôm 14/7 của viện Khoa học Y khoa Anh, làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước này có thể khiến 120.000 người chết từ tháng 9 tới tháng 6 năm sau "trong trường hợp xấu nhất". Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson bị chỉ trích phản ứng chậm với đại dịch, đáng lẽ nên phong tỏa sớm hơn và phải duy trì quá trình truy vết lây nhiễm.
Vào tháng 8, Anh sẽ phát phiếu giảm giá cho người dân với tổng giá trị 625 triệu USD để khuyến khích công chúng đến các nhà hàng, quán cà phê và quán bar đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Phiếu giảm giá này không thể dùng để mua rượu.
Tại Trung Đông, thống kê của Iran ghi nhận thêm 2.489 ca nhiễm, nâng tổng số lên 286.523, trong đó 15.289 người chết, tăng 215 ca so với hôm qua.
Ca nhiễm mới tại Iran có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 5, khiến chính phủ ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, đồng thời cho phép những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Arab Saudi ghi nhận thêm 2.378 ca nhiễm và 37 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 262.772 và 2.672. Trong những hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiềm chế đại dịch, Arab Saudi tuyên bố chỉ cho phép khoảng 1.000 tín đồ đã có mặt tại nước này tham gia cuộc hành hương Hajj vào cuối tháng, trong khi nghi thức này năm ngoái thu hút hơn 2,5 triệu người Hồi giáo khắp thế giới.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 48.892 ca nhiễm và 761 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 1.337.022 và 31.406. Phần lớn ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở Mumbai và New Delhi. Tuy nhiên, virus cũng đang lây lan tại những thành phố nhỏ hơn, buộc chính quyền địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Quan chức tại một số bang phàn nàn về việc thiếc các thuốc quan trọng để điều trị cho bệnh nhân.
Trung Quốc chưa thông báo số liệu.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với với 95.418 ca nhiễm, tăng 1.761 trường hợp so với hôm trước, trong đó 4.665 người chết, tăng 89 ca.
Tổng thống Joko Widodo cho biết đại dịch tại Indonesia có thể đạt đỉnh vào tháng 8 hoặc tháng 9, muộn hơn 2-3 tháng so với dự báo trước đó. Ông nói thêm rằng đang thúc đẩy nội các hoạt động tích cực hơn nhằm kiềm chế nCoV. Chính phủ đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm hướng dẫn y tế, như không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Philippines, vùng dịch lớn thứ hai trong khu vực, ghi nhận 76.444 người nhiễm và 1.879 người chết, tăng lần lượt 2.103 và 15 trường hợp trong 24 giờ.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano cho biết giới chức và cảnh sát nước này sẽ tiến hành tìm kiếm người nhiễm nCoV tại từng hộ gia đình nhằm ngăn chặn virus lây lan, đồng thời kêu gọi công chúng báo cáo các ca nhiễm trong khu dân cư của họ. Bất cứ ai nhiễm nCoV từ chối hợp tác đều phải đối mặt với án tù.
Philippines sẽ cho phép người nước ngoài với thị thực dài hạn, tức người sống và làm việc tại nước này, nhập cảnh từ ngày 1/8. Manila từ 15/7 duy trì phong tỏa một phần thêm hai tuần. Trường học đóng cửa, trung tâm mua sắm và quán ăn hoạt động hạn chế, người dân bị cấm tụ tập đông người và phải giãn cách xã hội trên giao thông công cộng, và trẻ em và người già được yêu cầu ở nhà.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng người không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách an toàn và làm lây lan nCoV là "tội phạm nghiêm trọng". Ông đề nghị cảnh sát không do dự khi bắt và đưa người vi phạm tới giam ở đồn để họ "nhận được bài học". Duterte nói thêm sẽ yêu cầu lực lượng hành pháp nghiêm khắc hơn và thực hiện những biện pháp khiến người vi phạm phải ghi nhớ mãi mãi.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 49.375 người nhiễm, tăng 277 ca, trong đó 27 người chết. Singapore dự kiến hoàn tất xét nghiệm nCoV với những lao động nhập cư sống trong ký túc xá vào ngày 7/8, khoảng 4 tháng sau khi chính quyền bắt đầu cách ly hàng chục nghìn lao động do dịch bùng phát mạnh. Số ca nhiễm tại Singapore sau mốc này dự kiến giảm từ giữa tháng 8 nhưng giới chức nhấn mạnh cuộc chiến chống Covid-19 chưa kết thúc
Singapore đang nới dần các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn. Nước này và Malaysia dự kiến nối lại đi lại cho mục đích chính thức và kinh doanh thiết yếu vào tháng tới.
Trong khi đó, họ siết chặt quy định nhập cảnh với người đi từ hay gần đây đến những vùng dịch đang tăng nhiệt trở lại, bao gồm Hong Kong, Nhật và bang Victoria của Australia. Những người này sẽ không được tự cách ly mà phải cách ly tập trung và hầu hết phải chi trả chi phí.
Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Trước diễn biến phức tạp tại Mỹ, Brazil và Ấn Độ, Mike Ryan, phụ trách mảng phản ứng khẩn cấp của WHO cho rằng những nước này vấn có thể chiến thắng đại dịch.
VietBF@sưu tập