Giới chức Campuchia đề xuất dự luật cấm phụ nữ mặc váy quá ngắn nhằm gìn giữ truyền thống, nhưng các nhà phê bình cho rằng đây là công cụ kiểm soát. Dự luật đã gây phản ứng nhiều chiều từ dư luận.
Dự luật đề xuất trao quyền cho cảnh sát Campuchia xử phạt những người "ăn mặc không phù hợp", gồm mặc váy quá ngắn hoặc áo sơmi trong suốt khi ra ngoài với phụ nữ và cởi trần nơi công cộng với đàn ông. Nếu được quốc hội và một số bộ ngành của Campuchia thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực vào năm tới.
Các vũ công biểu diễn ở Công viên Tự do nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia, tháng 12/2019. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Ouk Kimlekh, người phụ trách quá trình soạn thảo dự luật, cho rằng quy định này là cần thiết để bảo tồn nét văn hoá truyền thống.
"Thật tốt đẹp nếu luôn mặc váy trùm qua gối. Nó không hoàn toàn là vấn đề trật tự công cộng, mà là vấn đề truyền thống và phong tục", ông nói.
Trong khi đó, các nhà nhân quyền bày tỏ lo ngại dự luật là một công cụ để kiểm soát phụ nữ và tước mất tự do của họ.
"Những tháng gần đây, chúng tôi đã chứng kiến việc kiểm soát cơ thể và trang phục của phụ nữ ở các cấp chính quyền cao nhất, làm suy yếu các quyền của phụ nữ về tự chủ thân thể và thể hiện bản thân, đổ lỗi cho phụ nữ về bạo lực xảy ra đối với họ", Chak Sopheap, giám đốc điều hành Trung tâm Từ thiện Nhân quyền Campuchia, nói.
Đầu năm nay, một phụ nữ Campuchia đã bị kết án 6 tháng tù vì tội khiêu dâm và khoe thân không đứng đắn khi mặc trang phục lộ liễu để bán quần áo và mỹ phẩm trực tuyến qua Facebook. Vụ bắt giữ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen kêu gọi nhà chức trách truy quét những phụ nữ mặc đồ khêu gợi livestream bán hàng, điều ông cho là "làm dơ bẩn văn hóa Campuchia" và thúc đẩy lạm dụng tình dục.
Các nhóm nhân quyền cho rằng luật mới có thể làm tăng nguy cơ tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục với phụ nữ vì dẫn tới văn hoá đổ lỗi cho nạn nhân.
"Trừng phạt phụ nữ vì cách lựa chọn trang phục của họ sẽ củng cố quan niệm rằng phụ nữ là nguyên nhân của bạo lực xảy ra với họ", Ming Yu Hah, Phó giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nói. "Việc viện dẫn 'truyền thống dân tộc' đặt ra câu hỏi: ai định nghĩa truyền thống, trên cơ sở nào và kết cục là gì?".
Nhiều người Campuchia quan niệm phụ nữ phải phục tùng và im lặng, một di sản của Chbap Srey, bộ quy tắc ứng xử với phụ nữ mà Liên Hợp Quốc năm ngoái cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn khỏi các trường học nước này. Nó được coi là căn nguyên dẫn đến vị thế thiệt thòi của phụ nữ trong xã hội Campuchia.
Chbap Srey có tuổi đời hàng thế kỷ, từng là một phần trong chương trình học tại Campuchia cho đến năm 2007, dạy phụ nữ phải biết nghe lời và quy định cách họ thể hiện bản thân.
VietBF@sưu tập