Moskva cho rằng Washington đang cố mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Mỹ bằng cách cấm giao dịch với ByteDance, công ty Trung Quốc sở hữu TikTok.
"Lệnh cấm vô căn cứ ngăn công dân Mỹ giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok, giữa lúc ứng dụng này đang được thúc đẩy bán cho các tập đoàn Mỹ, là một ví dụ rõ ràng khác chứng minh sự cạnh tranh không công bằng nhằm chi phối không gian thông tin trên mạng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm nay cho biết trong một tuyên bố.
Bà Zakharova cho rằng lệnh cấm sẽ vi phạm "một loạt cam kết quốc tế của Washington trong việc đảm bảo quyền tiếp cận mạng lưới truyền thông tự do và đa dạng, quyền tự do lựa chọn nguồn thông tin và thúc đẩy hợp tác liên quan".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Sputnik.
Phát ngôn viên Nga nói thêm rằng quyết định của Mỹ cũng không tuân theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn tự do cạnh tranh trên thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo bà, việc Washington lấy an ninh quốc gia làm lý do để buộc một công ty Trung Quốc chịu sự tiếp quản của doanh nghiệp Mỹ "đặc biệt khả nghi".
Tổng thống Donald Trump hôm 6/8 ký sắc lệnh cấm mọi cá nhân, tổ chức tại Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu của TikTok và WeChat, có hiệu lực sau 45 ngày nữa. "Mỹ cần hành động quyết liệt nhằm vào chủ sở hữu TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia", sắc lệnh có đoạn.
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố TikTok có 45 ngày để đạt thỏa thuận thoái vốn, yêu cầu ByteDance bán cổ phần và hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hoặc một công ty Mỹ nào đó, nếu không mạng xã hội này sẽ phải rút khỏi Mỹ từ ngày 15/9.
Sau sắc lệnh của Trump, Bắc Kinh cáo buộc Washington "thường xuyên lạm dụng quyền lực quốc gia và đàn áp một cách vô cớ các công ty không thuộc Mỹ". "Bất chấp quyền và lợi ích của người dùng và công ty Mỹ, Mỹ vẫn thao túng và đàn áp chính trị tùy tiện", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.
Trong khi đó, bà Zakharova kêu gọi Washington "xem xét lại cách thức duy trì thế độc quyền cho những gã khổng lồ công nghệ Mỹ trong mảng mạng xã hội quốc tế", đảm bảo các phương pháp của họ phù hợp với "các giá trị dân chủ được công nhận rộng rãi và chuẩn mực luật pháp quốc tế".
TikTok hiện có khoảng một tỷ người dùng trên thế giới. Chính quyền Trump gần đây bày tỏ quan ngại về nguy cơ ứng dụng này bị Bắc Kinh lợi dụng để thu thập thông tin tình báo từ dữ liệu người dùng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay dữ liệu về người dân Mỹ mà các công ty như TikTok đang thu thập có thể gồm "nhận dạng khuôn mặt, thông tin về nơi cư trú, số điện thoại, bạn bè".
Tuy nhiên, TikTok và ByteDance phủ nhận mọi liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Tổng giám đốc TikTok tại Mỹ Vanessa Pappas hôm 1/8 khẳng định công ty đang nỗ lực để mang đến "một phần mềm an toàn nhất" cho người dùng.