12-8-2020
Vì quá tin tưởng vào tuyên truyền của Việt Cộng về một Việt Nam sạch bóng corona mà giờ đây toàn dân thành phố Đà Nẵng sống trong lo sợ, bệnh dịch lan nhanh.
Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) tại Đà Nẵng là 5.0, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới ước tính R0 toàn cầu từ 1,4 đến 2,5.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết chủng nCoV mới tại Đà Nẵng có đột biến, làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao. Chỉ số lây nhiễm ở đợt dịch lần này là 5-6, tức cứ một người có thể lây nhiễm cho 5-6 người khác. Trong đợt dịch lần trước, chỉ số lây nhiễm từ 1,8 đến 2,2, tương đồng chỉ số chung của thế giới.
“Tâm dịch lớn nhất là ở cụm ba bệnh viện tại Đà Nẵng, với 800.000 người đi qua khu vực này và 42.000 người từng đến đây chữa bệnh”, ông Long nói.
Bệnh viện Đà Nẵng đến nay ghi nhận 186 ca Covid-19, gồm 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân nhiễm và 18 trường hợp lây nhiễm thứ phát từ bệnh viện ra cộng đồng. Bệnh viện đã tiếp nhận 7.200 bệnh nhân nội trú, 36.800 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú trong tháng 7.
Hệ số lây nhiễm cao, dịch dễ lan rộng
Hệ số lây nhiễm tại bệnh viện Đà Nẵng ước tính lên đến 5.0. Đây được gọi là “hệ số lây nhiễm cơ bản” (R0), dự đoán số người trung bình bị lây virus từ một người nhiễm bệnh. Ví dụ, các bệnh như bại liệt, đậu mùa và rubella có hệ số R0 trong khoảng 5-7, có nghĩa người mắc một trong những bệnh trên có thể lây sang 5-7 người khác không có khả năng đề kháng với virus.
Từ đầu dịch Covid-19 vào tháng 1, các nhà khoa học trên thế giới gấp rút ước tính R0 của nCoV. Một số báo cáo đưa ra con số R0 khoảng 2-3. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới ước tính R0 ở mức thấp hơn từ 1,4 đến 2,5. Vài nguồn khác dự đoán R0 ở mức trên 3,5.
Con số R0 ở mức 5.0 tại Bệnh viện Đà Nẵng được đánh giá là hệ số lây nhiễm cao, nguy cơ dịch lan rộng là rất dễ xảy ra nếu không khống chế kịp thời.
Nhiều F1, F2, cụm gia đình nhiễm nCoV
Ngày 11/8 thành phố Đà Nẵng tiếp tục giãn cách xã hội dù hết hạn lần một. Ngày 10/8, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục phong tỏa. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết thành phố yêu cầu khi nào không còn ca dương tính trong bệnh viện, cộng thêm 14 ngày cách ly sau đó, thì được mở cửa trở lại. Hiện bệnh viện còn khoảng 700-800 nhân viên y tế, gần 200 bệnh nhân không nhiễm nCoV và gần 300 bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Trên toàn Đà Nẵng, tính đến chiều 11/8, ghi nhận 279 ca Covid-19.
Đợt dịch này, quyền Bộ trưởng Long đánh giá tỷ lệ F2 bị nhiễm nCoV cũng nhiều. Trong vòng một tháng tính từ đầu tháng 7, nhà chức trách xác định có khoảng 1,4 triệu người đến, đi từ Đà Nẵng và các bệnh viện ở đây.
Từ ngày đầu tiên 25/7 ghi nhận “bệnh nhân 416” đến nay, Đà Nẵng thực hiện cách ly hơn 20.000 người F1, F2, lấy 48.236 mẫu, trong đó 45.228 mẫu kết quả âm tính.
Trong khi dân số toàn thành phố Đà Nẵng là 1,34 triệu người, tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 chiếm không nhiều (chỉ 0,02 %), số người cách ly chiếm khoảng 1,4%. Tuy nhiên, số người nhiễm trong đợt dịch này khá đa dạng và có nhiều hình thức khác nhau so với giai đoạn trước.
Ông Long nhận định, 40% bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận liên quan Đà Nẵng hiện nay không xuất hiện triệu chứng, nhưng vẫn mang mầm bệnh và có thể lây lan. Chưa kể nhiều bệnh nhân ghi nhận là F1 – tiếp xúc gần ca nhiễm, không có triệu chứng nên hành trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Do đó, các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác được R0 trên toàn thành phố Đà Nẵng.
Số lượng trường hợp mắc Covid-19 theo cụm gia đình rất cao. Có 78 ca nhiễm trong 27 cụm gia đình, cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước chỉ có hai cụm gia đình nhỏ. Đặc điểm các hộ gia đình ở Việt Nam sống chung nhiều thế hệ, nên nguy cơ người già, trẻ em bị nhiễm virus trong cùng một nhà rất cao.
Tỷ lệ ước tính trong đợt dịch hiện nay trẻ em là 2,7%, người già trên 60 tuổi là 30,6%.
Khu cách ly 3 lớp tại Khoa Y học nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19, cuối tháng 1. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tỷ lệ tử vong 3,95%
Đến chiều 11/8, Việt Nam ghi nhận 16 bệnh nhân Covid-19 tử vong gồm cả người già và thanh niên, chiếm khoảng 3,95% so với tổng số 405 ca lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng. So với nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ này được đánh giá là không cao.
Trên thế giới, Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn là ba vùng dịch lớn nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao. Tại Mỹ, số người chết vì Covid-19 đã vượt 160.000. Theo thống kê của Reuters, trung bình một phút, quốc gia này ghi nhận thêm một ca tử vong. Tỷ lệ tử vong trên 100.000 người ở Mỹ là 47,9, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Tính đến ngày 11/8, Brazil ghi nhận hơn 3 triệu người mắc và khoảng 100.000 bệnh nhân qua đời do Covid-19. Tỷ lệ tử vong trên 100.000 bệnh nhân, là 45,7.
Theo Justin Lessler, phó giáo sư dịch tễ của trường, những con số này phản ánh gánh nặng bệnh tật tổng thể ở một quốc gia. Song còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến số người chết tại những khu vực cụ thể, bao gồm tuổi tác, điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, số lượng máy thở tại các cơ sở y tế. Các quốc gia có dân số trẻ trên thế giới ghi nhận ít ca tử vong hơn.
Tại Uganda, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người là 0,01%, mức thấp nhất trên thế giới. Độ tuổi trung bình ở nước này là 15,9. Trong khi đó, người Mỹ tuổi trung bình là 38,4.
Các chuyên gia nhận định, để khống chế các ca tử vong là rất khó. Dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan. Đặc biệt, người dân phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…
Thúy Quỳnh – Chi Lê – Thục Linh
|
|