Ông Tập kêu gọi nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia, củng cố quốc phòng tại biên giới trong cuộc họp kéo dài hai ngày về Tây Tạng.
Tại Hội nghị chuyên đề trung ương về Công tác Tây Tạng lần thứ 7, được tổ chức tại Bắc Kinh vào 28-29/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ chính sách của đảng về quản lý Tây Tạng trong kỷ nguyên mới.
Ông Tập kêu gọi nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, giữ vững hòa bình và ổn định, không ngừng cải thiện cuộc sống của người dân, duy trì môi trường sống tốt, củng cố quốc phòng biên giới và đảm bảo an ninh trên các tiền đồn. Theo Chủ tịch Trung Quốc, những nỗ lực này phải được thực hiện, nhằm xây dựng một khu vực Tây Tạng đoàn kết, thịnh vượng, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp cấp cao về Tây Tạng ở Bắc Kinh, tổ chức từ 28 đến 29/8. Ảnh: Xinhua.
Kể từ hội nghị chuyên đề lần thứ 6 hồi năm 2015, Tây Tạng đã đạt được những tiến bộ toàn diện cùng các thành tựu mang tính lịch sử trong nhiều vấn đề, ông Tập nhận xét, lưu ý thêm rằng việc đạt được sự ổn định bền vững và phát triển nhanh chóng ở Tây Tạng là đóng góp lớn đối với công việc chung của đất nước.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết các công việc liên quan đến Tây Tạng phải tập trung vào bảo vệ đoàn kết quốc gia và củng cố đoàn kết giữa các dân tộc, cung cấp cho người dân nhiều chương trình giáo dục và đào tạo hơn nhằm huy động họ tham gia chống lại các hoạt động ly khai, từ đó tạo ra lá chắn vững vàng giúp đảm bảo sự ổn định.
Ông Tập cũng cho rằng cần tạo ra nhiều việc làm và các biện pháp hỗ trợ hơn để củng cố những thành tựu xóa đói giảm nghèo, đồng thời cho hay một số dự án cơ sở hạ tầng và dịch vụ công lớn sẽ được hoàn thành, bao gồm tuyến đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng.
Do vị trí địa lý nằm sát biên giới với Ấn Độ, Tây Tạng từ lâu có vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Trung Quốc. Cuộc họp cấp cao của Bắc Kinh diễn ra sau vụ ẩu đả giữa binh sĩ Trung - Ấn tại khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước ở thung lũng Galwan trên dãy Himalaya hồi tháng 6, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Sự cố gây leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á, làm dấy lên làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ. Tuy nhiên, New Delhi được cho là vẫn lo ngại về hậu quả nghiêm trọng nếu hành động quá quyết liệt với Bắc Kinh, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái hiện nay.