Ấn Độ thông báo thử thành công phương tiện siêu vượt âm tự sản xuất, đặt dấu mốc mới trong chương trình phát triển vũ khí siêu tốc tương lai.
"Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) hôm nay thử thành công Phương tiện Thử nghiệm Công nghệ Siêu vượt âm (HSTDV), bước đại nhảy vọt trong công nghệ quốc phòng nội địa. Chúng tôi đã chứng tỏ năng lực phát triển những công nghệ phức tạp, đặt nền móng cho dự án đầu đạn Siêu vượt âm Thế hệ mới", DRDO hôm 7/9 ra thông cáo cho biết.
Tên lửa Agni-I mang đầu đạn HSTDV phóng từ bãi thử ngoài khơi bang Odisha, miền đông Ấn Độ. Ảnh: DRDO.
HSTDV được lắp trên một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Agni-I và phóng từ bãi thử ngoài khơi bang Odisha, miền đông Ấn Độ. Tên lửa đạt độ cao gần 30 km và tốc độ siêu vượt âm trước khi HSTDV tách rời, sau đó mở cửa hút khí và kích hoạt động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet) sử dụng nhiên liệu kerosene để bay tiếp trong 20 giây với tốc độ 7.400 km/h, gấp 6 lần vận tốc âm thanh.
"Những giai đoạn then chốt như bơm nhiên liệu và tự động kích hoạt động cơ scramjet cho thấy công nghệ đã hoàn thiện. Hệ thống đẩy hoạt động đúng như thiết kế. Toàn bộ cuộc thử nghiệm được theo dõi bởi các đài radar và quang - điện tử, kèm một tàu nghiên cứu trên vịnh Bengal", DRDO cho hay.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự kiến ứng dụng hàng loạt công nghệ trên HSTDV như thiết kế khí động học, cơ cấu tách tầng, hệ thống kích hoạt động cơ và duy trì đốt nhiên liệu, cho những chương trình tên lửa hành trình siêu vượt âm trong tương lai. Truyền thông nước này cho biết những vũ khí siêu vượt âm hoàn chỉnh có thể được ra mắt trong 5 năm tới.
Vũ khí siêu vượt âm là khí tài đạt tốc độ trên 6.000 km/h, có tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn so với tên lửa đạn đạo, cho phép chúng xuyên thủng mọi lớp phòng thủ tên lửa hiện nay. Chúng thường được triển khai từ tên lửa đạn đạo, có thể trang bị động cơ đẩy hoặc dựa hoàn toàn vào tốc độ của tên lửa đẩy để bay tới mục tiêu.
Hàng loạt quốc gia đang theo đuổi các dự án vũ khí siêu vượt âm, trong đó Nga đã đưa vào biên chế đầu đạn siêu vượt âm Avangard. Mỹ và Trung Quốc cũng tích cực phát triển loại khí tài này nhằm cân bằng lợi thế.
VietBF @ Sưu tầm