Bí quyết để rau luộc được xanh, mềm của các bà nội trợ đó là cho thêm một chút muối hoặc bột canh trong quá trình luộc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là một sai lầm.
Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ truyền tai nhau, để luộc rau được xanh, mềm, bí quyết là cho thêm một chút muối hoặc bột canh trong quá trình luộc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này là một sai lầm, vì thói quen của người Việt là chấm nhiều, dù đã cho muối rồi nhưng khi ăn mọi người vẫn chấm, điều này khiến lượng muối đi vào cơ thể tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, việc trong quá trình rửa rau, nhiều gia đình thường ngâm nước muối, xong vớt ra luộc mà ít rửa lại hoặc rửa nhưng không hết lượng muối ngấm vào rau, việc này cũng khiến một lượng muối nhất định ngấm vào rau nhưng mọi người không hề hay biết.
Như vậy, ăn thực phẩm ngấm muối và nơi hứng chịu cuối cùng chính là cơ thể con người. Bởi theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn thừa muối sẽ âm thầm tàn phá cơ thể và sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như:
Chế độ ăn có nhiều muối sẽ âm thầm tàn phá sức khỏe của bạn. Ảnh minh họa
Tăng huyết áp
Ăn mặn thường xuyên làm tăng huyết áp. Huyết áp cao dẫn tới nguy cơ đau tim, đột quỵ và bệnh thận. Cụ thể, việc ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào với natri. Ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn đến tăng huyết áp.
Tim mạch, đột quỵ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu giảm 1 thìa cà phê muối ăn trong các bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ và các bệnh liên quan đến tim mạch.
Làm hại thận
Ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thận, vì việc ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,...
Gây bệnh dạ dày
Muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân của 80 – 90% các trường hợp mắc viêm loét dạ dày, tá tràng. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Ngoài ra, lượng natri trong cơ thể cao cũng làm giảm hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.
Làm yếu xương
Ăn mặn làm hại xương. Việc ăn quá nhiều muối có thể gây mất canxi từ xương trong khi canxi là yếu tố quan trọng cho xương khỏe mạnh. Khi xương bị mất canxi thì chúng sẽ trở nên yếu, dễ gãy hơn. Điều này làm tăng nguy cơ loãng xương.