Một chiếc tiêm kích tàng hình của Mỹ đã bị hư hỏng hoàn toàn sau khi phi công hạ cánh bất thành. Được biết chiếc tiêm kích này có giá khoảng 176 triệu USD. Dưới đây là những thông tin cụ thể. Tiêm kích F-35A bị phá hủy hoàn toàn tại căn cứ Eglin cuối tháng 9 do phi công mắc sai sót và hạ cánh với tốc độ quá cao.
Không quân Mỹ cuối tháng trước công bố báo cáo điều tra vụ chiến đấu cơ F-35A thuộc biên chế Phi đoàn Tiêm kích số 58 gặp nạn khi hạ cánh xuống sân bay quân sự Eglin tối 19/5. Đây là tiêm kích tàng hình thứ hai của lực lượng đóng quân tại căn cứ Eglin gặp nạn chỉ trong 5 ngày, sau vụ một chiếc F-22 rơi trong lúc bay huấn luyện ngày 15/5.
Theo báo cáo, chiếc F-35A số đuôi 12-005053 bị rơi trên đường băng số 30 của căn cứ Eglin. Phi công phóng ghế thoát hiểm an toàn và chỉ bị thương nhẹ, nhưng chiếc tiêm kích trị giá 176 triệu USD lật úp, bốc cháy và bị phá hủy hoàn toàn cách đầu đường băng khoảng 1.400 m."Khi hạ cánh, mũi tiêm kích chúi xuống với tốc độ cao, càng trước chạm đường băng ngay sau càng chính, khiến máy bay bị nảy mạnh và phần mũi bốc lên. Phi công sau đó cố gắng điều chỉnh, nhưng thao tác cần lái nhanh chóng sai lệch với dao động mũi máy bay", báo cáo của không quân Mỹ có đoạn viết.
Hai giây sau khi chạm đường băng, phi công kéo cần lái về phía sau nhằm nâng mũi máy bay, sau đó bật chế độ đốt tăng lực.
"Những hành động này là nỗ lực thiết lập trạng thái cho phép máy bay cất cánh và vòng lại hạ cánh lần nữa. Tuy nhiên, cánh đuôi ngang vẫn cụp hết cỡ, khiến mũi máy bay không thể nâng lên, bất chấp phi công kéo cần lái về phía sau suốt 3 giây. Sau nỗ lực thất bại và nhiều lần máy bay nảy trên đường băng, phi công thả cần lái và phóng ghế thoát hiểm", báo cáo cho hay.
"Chủ tịch ủy ban điều tra kết luận sự cố xảy ra bởi hàng loạt nguyên nhân, trong đó mở đầu là tiêm kích F-35A tiếp đất với tốc độ 374 km/h, nhanh hơn 93 km/h so với mức cho phép và các bề mặt điều khiển, trong đó chủ yếu là cánh đuôi ngang, xung đột với thao tác của người điều khiển khi tiếp đất, khiến phi công không thể kiểm soát dao động của máy bay", báo cáo có đoạn viết.
Cuộc điều tra cũng chỉ ra 4 yếu tố dẫn tới vụ tai nạn, gồm phi công hạ cánh trong lúc bật tính năng giữ tốc độ, màn hình hiển thị gắn trên mũ bay (HMD) bị sai lệch và khiến phi công mất tập trung trong giai đoạn tiếp đất, phi công giảm khả năng nhận thức do mệt mỏi và thiểu am hiểu về hệ thống điều khiển bay.Báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong tài liệu hướng dẫn vận hành và đào tạo của dòng tiêm kích tàng hình F-35. Các hệ thống huấn luyện mô phỏng cho phép phi công hạ cánh với tốc độ cao và phục hồi trạng thái sau khi nảy, không thể hiện chuẩn xác tính năng máy bay trong thực tế, dẫn tới thói quen sai lầm khi vận hành.
Phi công gặp nạn và hai thành viên ủy ban điều tra đều có thể hạ cánh chiếc F-35A an toàn trong buồng mô phỏng với những điều kiện như trước khi xảy ra tai nạn. "Nếu phi công hiểu rõ tính năng và quy tắc của hệ thống điều khiển, cũng như không tích lũy những kinh nghiệm tiêu cực khi huấn luyện mô phỏng, anh ta có thể đã cứu được máy bay bất chấp cú hạ cánh tốc độ cao", ủy ban điều tra cho biết trong báo cáo.
Nhóm điều tra không đề xuất hạn chế nào với hoạt động của dòng F-35 sau sự cố, nhưng khẳng định đã có nhiều bài học được rút ra.
|