Theo nhiều bác sĩ, bệnh nhân bị đái tháo đường họ nghĩ rằng cơm là thủ phạm gây nên đường huyết cao và bắt đầu chuyển sang ăn các thực phẩm khác thay thế, đặc biệt là miến dong mà không biết đó là một sai lầm nghiêm trọng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – Phòng khám Nội tiết, Đái tháo đường, cho biết ông thường xuyên gặp các ca vào khám với đường huyết cao chót vót vì ăn theo thực đơn của ông hàng xóm.
Ví dụ điển hình như trường hợp của bà Ngô Ngọc Lan (Long Biên, Hà Nội) bị đái tháo đường tuyp 2 cách đây hai, ba năm. Bà Lan được bác sĩ điều trị insuline ổn định đường huyết và được khuyến cáo điều trị chủ yếu bằng dinh dưỡng và tập luyện.
Bác sĩ dặn dò kỹ nhưng bệnh nhân không nhớ, về nhà thấy người hàng xóm cũng mắc bệnh giống mình và nghe nói ăn miến không sợ đường huyết tăng nên bà Lan cũng học theo, ngày nào cũng ăn miến. Miến ngan, miến gà thay đổi đủ kiểu. Nhiều lần ăn miến thấy nóng ruột bà lại chuyển sang ăn khoai, ăn sắn vì sợ ăn cơm tăng đường huyết.
Khi thấy người mệt bà tìm tới bác sĩ, lúc này đường huyết khi đói lên 11mmol/l. Bác sĩ cũng bất ngờ vì trong 1 năm vừa qua đường huyết của bệnh nhân kiểm soát rất tốt. Và khi hỏi ra bệnh nhân mới kể ăn theo thực đơn của ông hàng xóm chỉ ăn miến thay cơm vì nghe nói miến không tăng đường huyết mà còn giúp giữ ổn định lâu hơn.
Thạc sĩ Cường cho biết không riêng bà Lan có suy nghĩ như vậy mà rất nhiều trường hợp bị đái tháo đường vẫn tin rằng ăn miến dong họ sẽ không lo tăng đường huyết.
Theo BS Cường, miến dong vẫn gây tăng đường huyết như bình thường. Việc quan trọng đó là cân bằng dinh dưỡng. Nếu thay vì ăn 1 bát cơm, ăn 1 bát miến dong thì năng lượng vào còn nhiều hơn vì ít ai ăn miến không mà ăn kèm với các thực phẩm khác.
BS Cường kể 20 năm nay ông kiên trì giải thích cho người bệnh đái tháo đường không thay miến dong bằng cơm nhưng đều không có tác dụng nhiều. Đa số bệnh nhân lại tin mạng xã hội, tin những người cùng bị bệnh như mình hơn. Có cặp vợ chồng cả hai cùng bị đái tháo đường và cùng ăn khoai sọ thay các thực phẩm khác trong một thời gian kết quả đường huyết tăng chóng mặt, người chồng biến chứng nặng vào thận gây suy thận.
Dinh dưỡng với từng cá nhân
TS Phan Hương Dương – Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, cho biết tại Bệnh viện cũng gặp nhiều bệnh nhân đã quyết định bỏ cơm rồi chuyển sang ăn khoai sọ, miến dong. Nếu tính theo lượng gluco thì trong miến cao hơn cả phở.
TS Dương cho biết đái tháo đường là bệnh chuyển hóa từ chất dinh dưỡng từ bột đường, nên việc điều chỉnh yếu tố tham gia quá trình chuyển hóa rất quan trọng.
Đến nay các Guidelines về điều trị đái tháo đường vẫn hướng về thay đổi lối sống và tập luyện là nền tảng bắt đầu quá trình điều trị đến khi người bệnh cân bằng được đường huyết.
Dự phòng ở người có tiền đái tháo đường thì các hiệu quả cao nhất vẫn là dinh dưỡng tập luyện chứ không phải là thuốc.
Khi tiêm insulin vào cơ thể để đưa đường từ máu vào các mô của cơ thể để tế bào hấp thu được đường giúp cơ thể hoạt động. Buổi sáng bệnh nhân ăn 1 bát phở khoảng 90 gram gluxit, 1 bát xôi bé nhưng gluxit rất lớn phải tăng insuline, nếu ăn cháo thì giảm insuline tiêm vào vì vậy dinh dưỡng trong điều trị rất quan trọng nhưng mang tính cá nhân hóa tùy từng người bệnh chứ không phải chế độ của bất cứ ai cũng mang áp dụng cho nhau được.
Nhiều quan điểm không ăn tinh bột là sai vì khuyến cáo của thế giới một người cần ăn 130 gram tinh bột vì não sử dụng đường chứ không sử dụng thịt, vì vậy bột đường rất quan trọng không phải thấy đường máu cao là bỏ tinh bột sẽ nguy hiểm.
Cân bằng dinh dưỡng trong bệnh nhân đái tháo đường rất quan trọng. TS Dương cho biết người bệnh nên tuân thủ các chỉ định của bác sĩ điều trị cho mình. Nếu kiên trì thay đổi cộng với có thói quen luyện tập tốt chắc chắn đái tháo đường không còn đáng sợ hơn thay vì chỉ tìm cách ăn cái này, cái kia để đường huyết giảm nhưng không chịu luyện tập.
VietBF@sưu tập