Sau 2 quý hồi phục liên tiếp, GDP Nhật Bản quay đầu giảm nhẹ trong quý I và khả năng tình trạng này sẽ duy trì trong quý hiện tại.
Theo công bố sáng 8/6 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP quý I của nước này giảm 3,9%. Kết quả trên thấp hơn mức tính toán sơ bộ được đưa ra trước đó là giảm đến 5,1%.
Chi tiêu đầu tư giảm 1,2% so với quý trước, tốt hơn mức giảm sơ bộ 1,4%. Tiêu dùng của chính phủ giảm 1,1%, nhỏ hơn mức giảm sơ bộ 1,8%. Tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa GDP, giảm 1,5%, tệ hơn so với ước tính ban đầu là giảm 1,4%.
"Nhìn chung, chi tiêu vốn và tiêu dùng tư nhân vẫn yếu, điều này cho thấy nhu cầu trong nước yếu", Takeshi Minami, Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, đánh giá.
Kể từ đầu năm, đà phục hồi của Nhật Bản đã bị chững lại bởi các tuyên bố liên tiếp về tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19. Cho đến nay, tỷ lệ lây nhiễm đang giảm và tốc độ tiêm chủng đã tăng lên.
Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết, chi tiêu có thể phục hồi khi người tiêu dùng quay trở lại đường phố. "Nếu tình trạng lây nhiễm giảm dần, sẽ có nhu cầu bị dồn nén được giải phóng, do người dân không thể đi ăn ngoài hoặc đi du lịch trước đó", ông nói.
Sự phục hồi nhanh chóng ở Mỹ và Trung Quốc cũng đang thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản, với sản lượng của các nhà máy trong nước vào tháng 4 đạt mức cao nhất kể từ đợt tăng thuế bán hàng năm 2019.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục suy giảm trong quý hiện tại, đẩy nước này trở lại cuộc suy thoái kỹ thuật, do việc mở rộng tình trạng khẩn cấp ngăn ngừa đại dịch ở Tokyo và một số khu vực khác.
"Vấn đề vaccine là điều quan trọng nhất đối với sự phục hồi kinh tế", chuyên gia Takeshi Minami nói và cho rằng tỷ lệ tiêm chủng sẽ cần đạt khoảng 50% để thúc đẩy triển vọng phục hồi của đất nước.
|