Sau khi hai con trưởng thành, cô Lê Ngọc Oanh (52 tuổi) thực hiện ước nguyện khi còn trẻ, đi xe máy dọc Nam - Bắc tận hưởng cuộc sống.
Mùa hè năm 2016, cô Oanh buộc chặt túi đồ đạc vỏn vẹn vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân lên chiếc xe số Future vẫn thường dùng đi làm, cùng bạn thân từ TP HCM đi phượt xuyên Việt. Con trai và con gái có lo lắng nhưng vẫn ủng hộ mẹ thực hiện đam mê, vì trước đó cô cũng thường lái xe máy đến các điểm gần như TP Vũng Tàu, Cần Giờ... mỗi thứ 7, chủ nhật.
Lần đầu tiên xuyên Việt, người phụ nữ chọn cung đường ven biển dọc qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Đà Nẵng, Hà Tĩnh tới Hà Nội rồi trở lại TP HCM. Mục đích của chuyến đi là thăm hầu hết các vùng biển, đảo Việt Nam trong hơn 20 ngày.
Lần thứ 2 xuyên Việt vào năm 2017, cô chạy dọc quốc lộ 1 thẳng tới Hà Nội và đi Đông Tây Bắc. Đây cũng là chuyến đi dài và đáng nhớ nhất với gần 30 ngày, qua hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), hang động Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Đà Nẵng, Huế, Nghệ An... Còn lần thứ 3 trong năm tiếp theo, lịch trình xuyên Việt của cô Oanh là qua cung đường Tây Nguyên và đường mòn Hồ Chí Minh tới Móng Cái (Quảng Ninh).
Cô Oanh cho biết lý do mình đi xuyên Việt 3 lần và sẽ tiếp tục sau Covid-19 là vì càng đi càng thấy đất nước có đa dạng cảnh núi non, biển đảo, thành phố sầm uất đến các danh lam thắng cảnh đẹp và cả những di tích lịch sử hào hùng. "Giờ đây khi nhận thấy mình đã lớn tuổi, tôi mong muốn được tận hưởng cuộc sống, khám phá vẻ đẹp đất nước khi còn có thể", cô nói.
Điểm đến mà cô Oanh yêu thích nhất là Hà Giang, vì nơi đây còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ từ núi rừng đến những người dân địa phương. Đặc biệt khi được vừa đi vừa ngắm cảnh trên con đường Hạnh Phúc một bên là núi, một bên vực, bà cảm thấy biết ơn sự vất vả, hy sinh của hàng nghìn dân công, thanh niên xung phong đã dựng xây nên con đường này.
Cô chia sẻ các cung đường đi qua, trừ khu vực núi đồi thì đều rộng, đẹp, dễ đi và cảm thấy may mắn khi chiếc xe cũ chưa từng gặp sự cố trên đường. Duy nhất một lần khi đang trên đường đến Sa Pa thì trời mưa lớn, khu vực phía trước xảy ra sạt lở nhưng may mắn không có thiệt hại về người hay tài sản.
Chia sẻ kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi, cô Oanh cho biết nên lên kế hoạch chi tiết ở các điểm đến và xem trước dự báo thời tiết, nếu có mưa lớn, giông bão thì nên tránh di chuyển để không gây nguy hiểm. Mỗi ngày chỉ nên di chuyển khoảng 200 km và kết hợp tham quan, khi mệt có thể dừng chân tại các quán cà phê, quán nước để nghỉ. Ngoài ra, hành trang mà cô Oanh mang theo luôn có vitamin, đồ uống, một ít đồ ăn liền và hoa quả mua trên đường để nạp năng lượng mỗi khi cần.
Ngoài ra, với phụ nữ hoặc những người lớn tuổi nên có một người bạn đồng hành, để luân phiên đổi lái và chia sẻ chi phí. Nơi ở trong chuyến đi cô ưu tiên khách sạn bình dân, homestay để tiết kiệm chi phí. Các món ăn hầu hết trong hành trình đều là đặc sản địa phương nên không quá đắt đỏ. Trung bình trong 3 chuyến đi, cô chi tiêu khoảng 20-30 triệu đồng/2 người.
Câu chuyện, hình ảnh sau mỗi chuyến đi đều được người phụ nữ U60 đăng tải trên Facebook, trở thành niềm cảm hứng cho những người thân, đồng nghiệp trẻ lên đường. "Tôi khuyến khích các bạn trẻ quanh mình hãy sống cho hiện tại và cố gắng tận hưởng những gì đang có, đặc biệt khi tuổi còn trẻ và còn nhiều sức khỏe", cô nói.
|
|