Trong đời sống hôn nhân, không có cặp vợ chồng nào không có xung đột, cãi vã. Phải giải quyết những xung đột này bằng cách nào để cuộc cãi nhau mang tính tích cực, không dẫn tới ly hôn.
Khi hai vợ chồng cãi nhau, bạn đón nhận cơn giận dữ của người bạn đời như thế nào? Bạn bực tức hay thản nhiên cho rằng đối phương cần xả bớt những bức xúc làm căng thẳng thần kinh? Trong lúc đấu khẩu bạn im lặng hay là ăn miếng trả miếng từng lời, dù lòng bạn se lại trước khuôn mặt méo đi vì tức giận của người bạn đời? Bạn cư xử thế nào sau mỗi trận cãi nhau?... Những câu trả lời các câu hỏi trên sẽ cho thấy mức độ hòa hợp trong cuộc sống hôn nhân của bạn, cũng như mức độ sẵn sàng làm lành với người bạn đời.
Có rất nhiều người cứ chờ xem bên kia cư xử thế nào đã, hoặc người nọ chăm chăm chờ người kia nhượng bộ trước và "chiến tranh lạnh" bắt đầu diễn ra.
Rất nhiều người thường coi nhân nhượng là sự cam chịu mà không biết nhân nhượng chính là quy tắc vàng ứng xử trong hôn nhân. Nhân nhượng làm cho đời sống hôn nhân thay đổi theo chiều hướng tốt và củng cố hạnh phúc gia đình. Nhưng phải là nhân nhượng tích cực, nghĩa là bạn ý thức rõ lợi ích của sự nhân nhượng và chủ động thực hiện nó. Trong đời sống vợ chồng, không phải người yếu hơn cần nhân nhượng người mạnh hơn. Đây không phải là đặc quyền của kẻ mạnh, cũng không phải là sự yếm thế của kẻ yếu. Nhân nhượng là bí quyết triệt tiêu mọi xung đột gia đình.
Khi có xung đột gia đình, bạn cũng nên lưu tâm đến những điều sau để giúp cả hai cùng "hạ hỏa":
1. Đừng vội thất vọng. Nếu cả hai chưa tìm được tiếng nói chung thì hãy chủ động im lặng để người bạn đời có thời gian suy nghĩ.
2. Dù tức giận đến mấy cũng không được đe dọa người bạn đời bằng ly hôn.
3. Không lợi dụng những điểm yếu của nhau để công kích đối phương, buộc người bạn đời phải câm miệng.
4. Không lôi con cái vào phe mình, vì lời nói của chúng rất ít tác dụng đối với các bậc phụ huynh. Vả lại để con trẻ biết những xung đột của bố mẹ, chúng sẽ rất buồn, và nhiều khi có những hành vi tiêu cực.
5. Không được nhân dịp cãi nhau để kể chuyện "cổ tích", rằng hôm kia anh nốc rượu say nôn đầy nhà, tôi phải hầu anh cả đêm, hoặc hôm nọ, anh đi ăn tối với con nọ con kia mà không thèm gọi điện thoại cho tôi. vv và vv. Những câu chuyện "cổ tích" như thế sẽ đẩy cuộc đấu khẩu nhanh chóng lên đỉnh cao và câu chuyện sẽ bị lạc đề.
6. Hết sức hạn chế việc lấy bạn bè, họ hàng và gia đình làm trọng tài phân xử. Người xưa nói: "Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại". Chuyện xung đột vợ chồng, chẳng hay ho gì mà cho thiên hạ biết.
7. Không bao giờ được tái diễn cuộc cãi vã ngày hôm trước. Cuộc tái đấu khẩu bao giờ cũng quyết liệt hơn trận lượt đi. Âm hưởng của cuộc đấu hôm trước còn lâu mới tan.
8. Đừng phóng đại quá tầm quan trọng của vụ xung đột từ lần trước. Nó chỉ làm cho những vấn đề thêm tồi tệ chứ không ích lợi gì. Trong khi bốc hỏa, ai cũng có thể nói quá lời. Đừng vin vào lời nói quá đó để đẩy xung đột lên cao hơn.
9. Xác định điều quan trọng đối với đời sống hôn nhân không chỉ là phát hiện ra cái gì ở người bạn đời mà tìm ra cách sống phù hợp nhất với người bạn đời của mình.
VietBF@sưu tập