Nhiệt độ trung bình của cơ thể là 37oC. Nhưng thực tế bây giờ thân nhiệt chúng ta thấp hơn 37oC khá nhiều đấy.
Cách đây gần 200 năm, vào năm 1851, bác sĩ Carl Wunderlich, giám đốc bệnh viện Leipzig University ở Đức, ông và các cộng sự đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt của hơn 25000 bệnh nhân (đo ở nách), nghiên cứu tiến hành trong nhiều năm. Sau 17 năm, đến năm 1868, ông đưa ra kết luận, nhiệt độ trung bình của cơ thể là 37oC.
Thân nhiệt chúng ta thay đổi theo tuổi, giới, chu kỳ ngày đêm… có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thân nhiệt. Ví dụ trẻ em thường có thân nhiệt cao hơn người già; phụ nữ có thai thân nhiệt có thể tăng thêm khoảng 0.5oC; buổi chiều thân nhiệt có thể cao hơn ban đêm một chút. Ngay cả sau khi chúng ta vận động mạnh như chạy, lao động thân nhiệt cũng tăng… Đương nhiên khi chúng ta bị ốm, bị nhiễm vi khuẩn, virus thân nhiệt tăng cao, có thể lên đến 39oC-40oC, đó chính là tình trạng sốt.
Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy, thân nhiệt trung bình của cơ thể thấp hơn 37oC. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu hồi cứu còn cho thấy, thân nhiệt trung bình cơ thể ngày càng giảm trong vòng khoảng 100 năm qua.
Hiện vẫn chưa có lời giải thích nào hợp lý cho câu hỏi này, tại sao thân nhiệt trung bình cơ thể ngày càng giảm? Có thể do hiện nay, do điều kiện vệ sinh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nên ít bị mắc các bệnh nhiễm trùng mạn tính như: viêm tai mũi họng; nhiễm trùng ngoài da; vệ sinh răng miệng tốt hơn nên nhiệt độ cơ thể giảm? Cũng có thể do chuyển hóa cơ sở con người giảm, do thời xưa con người lao động vất vả hơn?
Những nghiên cứu hiện tại kết luận, nhiệt độ trung bình của cơ thể (khi đo ở miệng) là 36.8oC, nhiệt độ trung bình khi đo ở nách còn thấp hơn nữa chỉ 36.4oC mà thôi!
Vậy khi nào có thể kết luận chúng ta bị sốt? Nó còn phụ thuộc vào vị trí trên cơ thể mà chúng ta kiểm tra nhiệt độ nhưng hiện nay, gần như tất cả đều thống nhất kết luận một người bị sốt khi nhiệt độ ở trực tràng hay tai trên 38oC; nhiệt độ đo ở miệng trên 37.8oC và nhiệt độ đo ở nách trên 37.2oC.