Theo như có một bài bình luận của Kiều Huyền Trang 'Sôi sục Cuba: Yết hầu và phên dậu' trên trang RFA Việt ngữ, nhưng tác giả có một cái nhìn lịch sử khá toàn diện về lịch sử chính trị và địa chính trị của Cuba và Việt Nam. Nhưng có vẻ người viết đặt góc nhìn của mình từ Việt Nam hơn từ Mỹ. Không có nhiều người Việt ở Mỹ viết về cuộc biểu tình lớn phản đối chế độ, đòi tự do tại Cuba vào ngày 11/7/2021.
Xin điểm qua một chút báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ.
Trên trang VOA Việt ngữ, cơ quan truyền thông chính thức của chính phủ Mỹ, ngoài phần tin, không có bài bình luận nào.
Trên trang RFA Việt ngữ, được chính phủ Mỹ tài trợ, bài nổi bật nhất là bài bình luận của Kiều Huyền Trang 'Sôi sục Cuba: Yết hầu và phên dậu'.
Bài viết đặt trọng tâm ở việc so sánh Cuba và Việt Nam, hai trong số năm quốc gia cộng sản còn sót lại trên hành tinh này. Tác giả có một cái nhìn lịch sử khá toàn diện về lịch sử chính trị và địa chính trị của Cuba và Việt Nam. Nhưng có vẻ người viết đặt góc nhìn của mình từ Việt Nam hơn từ Mỹ.
Tương tự bài này là tác giả Jackhammer Nguyễn, từ Mỹ, trên trang Tiếng Dân, cũng có mục đích so sánh Cuba và Việt Nam. Kết luận của tác giả này là hai nước Cuba và Việt Nam tưởng như giống nhưng rất khác nhau.
Hai tác giả khác từ Mỹ là Lê Minh Nguyên, và Trần Trung Đạo cũng tương tự như các tác giả trên, với mục đích xoáy vào việc đấu tranh dân chủ hóa ở Việt Nam bằng bài học Cuba.
Tác giả Hiếu Chân của báo Người Việt là người duy nhất phân tích quan hệ Mỹ - Cuba trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Hiếu Chân cho rằng sau sự kiện biểu tình ngày 11/7/2021, nước Mỹ có thể sẽ đặt vấn đề Cuba trở lại thành một mục tiêu ưu tiên.
Người có phát biểu chỉ đặt trọng tâm lên vấn đề dân chủ ở Cuba lại là giáo sư Nguyễn Hữu Liêm từ San Jose, California.
Công an Cuba không mặc sắc phục bắt người biểu tình ở Havana
Ông Liêm, người mà một phần dư luận ở đây cho là 'thân Hà Nội', bình luận trên Facebook của tôi sau khi tôi trích tin từ truyền thông Mỹ về cuộc biểu tình tại Cuba.
Ông viết rằng: Người Cuba hãy thức tỉnh, nắm lấy vận mệnh của chính mình.
Người Cuba và người Việt tại Mỹ
Lên tiếng về cuộc biểu tình hiếm hoi sau hàng chục năm trên đảo quốc Cuba, ông chủ tịch Cuba Daniel Diaz-Canel nói rất nhiều, nhưng tựu chung có hai điểm.
Thứ nhất là cuộc biểu tình bị giật giây từ bên ngoài, chứ không có chuyện nổi dậy tự thân của người Cuba. Thứ hai là tình trạng vất vả thiếu thốn của nước Cuba và người dân Cuba hiện nay là do Mỹ cấm vận.
Các phân tích của báo chí Mỹ như NBC News cho rằng nguyên nhân chủ yếu của tình trạng kiệt quệ kinh tế của Cuba là do nước này không chịu cải cách, cấm vận chỉ ảnh hưởng phần nhỏ.
Một cây bút bình luận của tờ Miami Herald ở Florida, bang có đông người Cuba ở Mỹ, là ông Andres Oppenheimer, dẫn số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy mặc dù là có lệnh cấm vận, nhưng Mỹ là một trong 15 đối tác thương mại lớn nhất của Cuba, và là quốc gia xuất khẩu lương thực và sản phẩm nông nghiệp lớn nhất vào Cuba.
Vấn đề cấm vận và kinh tế của Cuba như vậy là khá rõ ràng, nhưng câu chuyện chính trị nội bộ của nước Mỹ và cộng đồng người Mỹ gốc Cuba là phức tạp hơn rất nhiều.
Cộng đồng người Mỹ gốc Cuba có khuynh hướng bảo thủ và bầu cho Đảng Cộng hòa Mỹ, vì sự lớn tiếng của đảng này trong việc chống chế độ cộng sản Cuba.
Thế nhưng trong nhiều năm gần đây người ta thấy một xu hướng khác trỗi dậy đó là thế hệ thứ hai, thứ ba, người gốc Cuba sinh ra ở Mỹ ít quan tâm đến chuyện lật đổ chế độ cộng sản ở Cuba hơn là những vấn đề xã hội ở Mỹ, vì thế lớp trẻ người Mỹ gốc Cuba có nhiều người bầu cho Đảng Dân chủ, nghiêng về những chính sách xã hội cấp tiến, theo CNN.
Trong bốn năm chính trị Mỹ rối loạn và phân cực vừa qua, số phiếu của người Mỹ gốc Cuba dành cho cựu tổng thống Donald Trump lại gia tăng so với các ứng cử viên cộng hòa trước đó.
Đây cũng là một tình trạng phát triển khá tương đồng với cộng đồng Mỹ gốc Việt. Những người tị nạn đầu tiên vào năm 1975, và những thuyền nhân Việt Nam sau đó có khuynh hướng bảo thủ bầu cho Đảng Cộng hòa vì cho rằng đảng này ủng hộ họ trong cuộc chiến Việt Nam.
Thế hệ thứ hai và thứ ba người Mỹ gốc Việt cũng tương tự như người Mỹ gốc Cuba. Và có một tương đồng nữa là trong cuộc bầu cử vừa qua, số phiếu của người gốc Việt dồn cho ông Trump cũng cao hơn các ứng viên cộng hòa trước kia. Lý do có thể nằm ở chổ những lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản của ông Trump.
Quan tâm nội bộ chính trị Mỹ
Nhưng như đã nói ở phần đầu, tôi không ghi nhận được phản ứng, bình luận gì nhiều về tình hình Cuba trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, có lẽ nguyên do là họ quan tâm nhiều đến chính trị nội bộ của nước Mỹ hơn.
Trong cuộc biểu tình tại Cuba vào ngày 11/7, người ta thấy có người cầm biểu ngữ kêu gọi ông Biden, tổng thống Mỹ, cứu lấy Cuba. Tổng thống Biden cũng lên tiếng ủng hộ người dân Cuba, đồng thời ông cũng nói rằng chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa thất bại, và chủ nghĩa xã hội cũng không phải là một giải pháp tốt.
Năm 2016 là năm đặc biệt thành công cho các ứng viên nữ gốc Việt trên chính trường Hoa Kỳ, những người thuộc thế hệ hai, tập trung vào hoạt động trong chính trị Mỹ
Những phát biểu này của ông Biden là đúng với khuynh hướng trung dung của ông trong Đảng Dân chủ từ trước đến nay, và có lẽ là sự kiện Cuba là dịp để ông xóa đi hình ảnh mà ông Trump hay dán vào ông và Đảng Dân chủ, gọi họ là xã hội chủ nghĩa, thậm chí cộng sản.
Tổng thống Biden cũng ra lệnh xem xét gia tăng số nhân viên ngoại giao Mỹ tại Havana. Số nhân viên tại đây bị giảm xuống sau khi quan hệ hai bên đóng băng dưới thời Donald Trump. Nhưng từ đó để nói rằng chính phủ Biden đưa vấn đề Cuba lên loại ưu tiên như tác giả Hiếu Chân của báo Người Việt dự đoán, có thể là hơi xa, vì nước Mỹ hiện nay đối diện với những vấn đề toàn cầu xuất phát từ Trung Quốc và Nga, lớn hơn rất nhiều.
Câu chuyện Cuba có lẽ gây khó xử hơn cho với phe tả của Mỹ hơn là chính quyền Biden hiện nay. Nhóm này từ trước đến nay chủ trương bỏ cấm vận đối với Cuba, và hiện nay vẫn tiếp tục thúc ép chính phủ Biden xúc tiến việc này. Nhưng với tiếng là đấu tranh cho những giá trị cấp tiến họ phải lên tiếng thế nào cho việc đàn áp, bắt bỏ tù người biểu tình vừa diễn ra tại Cuba?
Điển hình cho sự bối rối này là bình luận của phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen ở Mỹ, Black Lives Matter (BLM). BLM nói rằng Mỹ nên kết thúc cấm vận Cuba, và không có lời bình luận nào về nhân quyền.
Tác giả Andres Oppenheimer cho rằng đây là một sự đạo đức giả vì BLM chẳng lẽ không đấu tranh cho những người cùng màu da của họ ở Cuba? Oppenheimer nhận xét rằng đại đa số các nhân vật lãnh đạo Cuba cộng sản là người da trắng, trong khi đảo quốc này có đến 1/3 là người có tổ tiên da đen.
Phe (cực) tả Mỹ thậm chí còn đi đến những thuyết âm mưu đồng giọng với chủ tịch Cuba, ông Miguel Diaz-Canel, rằng những người Cuba biểu tình là làm theo những chiến dịch bí mật (black ops) của … CIA Mỹ.
Giới trẻ gốc Việt tích cực lên tiếng trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua
Một thanh niên người Việt (vâng người Việt) lớn lên ở Mỹ cũng nói rằng tình hình khó khăn tại Cuba là do cấm vận, và cuộc biểu tình là do … CIA. Cậu thanh niên này còn biết từ gusanos là từ mà Fidel Castro gọi những người Cuba lưu vong. Gusanos tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là sâu bọ.
Không rõ có bao nhiêu thanh niên người Mỹ gốc Việt có khuynh hướng chính trị xã hội như cậu này. Nhưng có thể cậu này và những bạn đồng trang lứa, không phân biệt nguồn gốc, có cảm tình với phe cực tả ở Mỹ sau những xáo trộn chính trị vừa qua, và có vẻ là chưa kết thúc.
Họ phản kháng lại lịch sử can thiệp của Mỹ tại nhiều quốc gia trên thế giới, mà phần lớn để lại kết quả không tốt, bằng những thuyết âm mưu cực đoan như vậy.
Liệu lớp trẻ của cộng đồng Mỹ gốc Cuba sẽ có thay đổi gì về chính trị sau sự kiện 11/7/2021 hay không?
Theo quan sát của tôi thì vẫn còn quá sớm để có câu trả lời.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Joaquin Nguyễn Hòa từ San Francisco, California, Hoa Kỳ.