Tại Việt Nam, hiện có các loại vaccine của AstraZeneca (châu Âu), Pfizer, Moderna (Mỹ) và Sinopharm (Trung Quốc), khiến tiêm vaccine phòng Covid-19 đang là vấn đề gây tranh cãi tại Việt Nam, đặc biệt là câu hỏi liệu người dân có thể từ chối tiêm vaccine Trung Quốc hay không.
Việt Nam hiện đang đẩy mạnh việc tiêm vaccine giữa lúc dịch bệnh diễn tiến phức tạp tại nhiều nơi, đặc biệt là tại TP HCM, nơi hầu như số lượng ca bệnh và tử vong đã vượt ngoài tầm kiểm soát.
Vaccine được coi là giải pháp bền vững hơn so với các biện pháp "dập dịch" trước đây.
Tuy nhiên, bên cạnh bài toán thiếu nguồn cung, việc tiêm vaccine tại Việt Nam đang gây ra nhiều tranh cãi về bất bình đẳng cũng như về quyền quyết định tiêm hay không tiêm của người dân.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 1/8, luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp bình luận:
"Tôi nghĩ việc tiêm vaccine là tự nguyện, không nên ép buộc. Ngay cả khi chương trình tiêm chủng quốc gia mặc dù nói là bắt buộc nhưng cũng không thể chế tài đối với người không tiêm. Về nguyên tắc, công dân được quyền tự do định đoạt tính mạng, sức khỏe của mình nhưng không ảnh hưởng đến người khác. Nếu người khác sợ những người không tiêm vacine sẽ ảnh hưởng đến họ thì họ cứ đi tiêm để không bị nhiễm. Nhưng câu hỏi đặt ra và là nỗi băn khoăn của nhiều người đó là, nếu bắt người dân tiêm mà có biến chứng thì nhà nước có chịu trách nhiệm không?"
Tiêm vaccine nào?
Tại Việt Nam, hiện có các loại vaccine của AstraZeneca (châu Âu), Pfizer, Moderna (Mỹ) và Sinopharm (Trung Quốc). Việc ai được tiêm loại vaccine nào đang là vấn đề gây tranh cãi, khi có nhiều ý kiến cho rằng người dân thường sẽ phải tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn, ở đây được hiểu là vaccine Trung Quốc, trong khi người có đặc quyền sẽ có thể chọn vaccine theo ý muốn, ở đây là châu Âu và Mỹ.
"Trước đây, tôi thường yêu cầu các quan chức công khai tài sản. Bây giờ, tôi không còn yêu cầu này nữa mà có yêu cầu mới: hãy công khai loại vaccine mà quý vị và gia đình quý vị đã tiêm phòng," doanh nhân Nguyễn Thiện từ TP HCM viết trên Facebook cá nhân.
Vào ngày 31/7, Công ty Dược Sài Gòn tại TP HCM đã nhập về 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, đợt đầu tiên trong lô hàng 5 triệu liều. Điều này một lần nữa gây ra tranh cãi, khi trên mạng có nhiều ý kiến cho rằng trong khi Hà Nội có thể được chọn giữa các loại vaccine của AstraZeneca, Pizer và Moderna thì nhiều người dân TP HCM bị bắt buộc phải dùng vaccine Trung Quốc, bên cạnh các loại vaccine kia.
Không có dữ liệu công khai nào về hiệu quả của vaccine Trung Quốc chống lại biến thể Delta
Khi bình luận về điều này, doanh nhân Nguyễn Thiện viết đầy mỉa mai: "Theo Báo Thanh Niên, từ 27/7, toàn bộ các phường, xã trên địa bàn Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất lịch sử cho hơn 5 triệu dân, bao gồm 3 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pzifer và Moderna. Trước đó, báo ********** có bài 'Tiêm vacxin: không nên kén cá chọn canh'. Đúng rồi, AstraZeneca, Moderna... hay chích đại Pzifer cũng được chứ kén chọn gì!"
Người dùng Facebook Trần Duy Cảnh nêu ý kiến: "Việt Nam muốn đưa vaccine Trung Quốc vào sử dụng thì nên cung cấp thông tin nhiều hơn cho dân. Thông tin trên mạng khá nhiễu và không đầy đủ, minh bạch như các loại của Mỹ và Anh. Tiêm vào người một loại vaccine không đủ thông tin và lại từ một nước thiếu niềm tin như TQ thì ngại ngần là đúng."
Không tiêm sẽ bị phạt?
Việc đẩy mạnh tiêm vaccine tại Việt Nam đang được tiến hành bằng nhiều hình thức, bao gồm cả tuyên truyền lẫn các biện pháp chế tài.
Báo Quân đội Nhân dân ngày 28/7 có bài viết trong đó khẳng định rằng tiêm vaccine phòng Covid-19 vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của người dân.
Bài báo kết luận: "Các chuyên gia y tế cho rằng, tốt nhất là người dân nên tiêm phòng sớm để tránh nguy cơ mắc Covid-19, giảm sự lây nhiễm cho những người dễ tổn thương trong cộng đồng và giảm đáng kể các triệu chứng nghiêm trọng. Càng nhiều người được tiêm vaccine, cộng đồng càng được miễn dịch tốt hơn, đẩy nhanh việc kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19."
Việt Nam nhận bàn giao hàng viện trợ vaccine Vero Cell của Sinopharm hôm 20/6/2021
Việt Nam hiện cũng có các quy định nhằm buộc người dân tiêm vaccine.
Điểm a khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng với hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định hành vi cố tình không chịu tiêm vaccine dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi đi lây nhiễm cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Một học sinh (bên trái) phản ứng khi tiêm vaccine Sinopharm Covid-19 tại một trường trung học ở Thẩm Dương thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc vào ngày 28 tháng 7 năm 2021
Tại nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn Mỹ, chính quyền đang vất vả trong việc khuyến khích người dân tiêm vaccine. Thậm chí nhiều nơi còn áp dụng các hình thức "khuyến mãi" cho người tiêm vaccine. Các hàng rào kỹ thuật được lập nên, chẳng hạn hộ chiếu vaccine, cũng được coi là những biện pháp nhằm thúc đẩy người dân tiêm vaccine.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chính quyền Việt Nam thì thường có xu hướng áp đặt hơn là khuyến khích người dân hay là xây dựng các hàng rào kỹ thuật tinh tế. Chẳng hạn như đi bầu cử, dù hiến pháp và pháp luật quy định bầu cử là quyền, tức người dân có thể đi bỏ phiếu hoặc không, thì chính quyền vẫn sử dụng nhiều biện pháp để buộc người dân phải đi bầu.
Giữa lúc đó, trên mạng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về việc tiêm vaccine, đặc biệt là sản phẩm từ Trung Quốc. Trong khi một số người cho rằng có tiêm là tốt, thì một số người khác nói họ không muốn tiêm vaccine. Một người tên Bùi Minh Tiến viết về việc có tiêm vaccine Trung Quốc hay không: "Em tiêm rồi nhưng nếu chưa tiêm thì lựa chọn của em là: nhà nước bắt thì em tiêm, còn có 2-3 loại để chọn thì không."