Đối với Trung Quốc, một nước láng giềng của Afghanistan với vốn đầu tư đáng kể trong khu vực, những thách thức an ninh do sự trở lại đột ngột của Taliban trở nên phức tạp hơn nhiều so với những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc nhận được, sau những gì đang diễn ra ở thủ đô Kabul của Afghanistan, tình hình dường như mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội cho Trung Quốc.

Ảnh: Tân Hoa Xã
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào tháng 4, đã có nhiều bình luận về cách Trung Quốc có thể nắm bắt thời cơ này để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ bỏ lại và mở rộng sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây.
Theo CNN, suy đoán này càng được củng cố sau cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Taliban và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước. Tại đây, ông Vương tuyên bố Taliban sẽ "đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải và tái thiết hòa bình ở Afghanistan."
Taliban và Trung Quốc: Cơ hội hay mối đe dọa?
Nhưng đối với Trung Quốc, một nước láng giềng của Afghanistan với vốn đầu tư đáng kể trong khu vực, những thách thức an ninh do sự trở lại đột ngột của Taliban trở nên phức tạp hơn nhiều so với những lợi ích chiến lược mà Trung Quốc nhận được.
Andrew Small, một thành viên tại Quỹ Marshall của Đức ở Washington, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu: "Trung Quốc không có xu hướng coi Afghanistan là cơ hội mà gần như là xử lí các mối đe dọa".
Bắc Kinh từ lâu đã cảnh giác với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan, quốc gia có đường biên giới dài 80 km với khu vực phía tây Tân Cương của Trung Quốc ở cuối Hành lang Wakhan. Trên thực tế, Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ sự ổn định tương đối do Mỹ mang lại trong hai thập kỷ qua.
Trung Quốc đặc biệt lo ngại rằng Afghanistan sẽ trở thành căn cứ cho những kẻ khủng bố và cực đoan ở khu vực Tân Cương - đây là vấn đề ưu tiên mà ông Vương đã nêu ra với các nhà lãnh đạo Taliban trong cuộc gặp hồi tháng trước. Đáp lại, Taliban cam kết rằng họ sẽ "không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc."

Binh sĩ Taliban tại Afghanistan.
Nhưng rủi ro an ninh không chỉ ở khu vực biên giới với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào vùng Trung Á thông qua chương trình cơ sở hạ tầng và thương mại Vành đai và Con đường. Việc Taliban lên nắm quyền có thể sẽ đe dọa các lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc trong một vùng rộng lớn hơn.
"Mặc dù Bắc Kinh hiểu về lực lượng hiện đang kiểm soát Afghanistan, nhưng họ không thoải mái với chương trình nghị sự với ý thức hệ của Taliban", ông Small nói. "Chính phủ Trung Quốc lo ngại tác động từ chiến tích của Taliban ở Afghanistan đối với hoạt động quân sự trên khắp khu vực, bao gồm cả Taliban ở Pakistan."
Mối đe dọa an ninh đó đã hiện hữu rõ vào tháng trước khi 9 công nhân Trung Quốc thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết ở Pakistan - một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào người Trung Quốc ở nước ngoài trong những năm gần đây. Islamabad nói rằng cuộc tấn công đã được thực hiện bởi "lực lượng Taliban Pakistan ở ngoài Afghanistan."
Chiến lược của Trung Quốc
Sự bất an của Bắc Kinh đối với khả năng xảy ra "thảm họa" ở Afghanistan đã phản ánh trong các tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi cơ quan này liên tục chỉ trích Mỹ hành động "vô trách nhiệm" trong việc "rút quân vội vàng".
Nhưng Bắc Kinh cũng đã phát đi tín hiệu rằng họ không có ý định gửi quân đến Afghanistan để lấp đầy khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại. Thời báo Hoàn cầu cho rằng các suy đoán như vậy là "hoàn toàn vô căn cứ."
"Những gì Trung Quốc có thể làm là sơ tán công dân Trung Quốc trong trường hợp một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn xảy ra hoặc đóng góp vào việc tái thiết và phát triển sau chiến tranh, thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc đề xuất khi sự an toàn và ổn định được khôi phục ở đất nước bị chiến tranh tàn phá," Hoàn Cầu viết.
Truyền thông Trung Quốc cũng gọi tình hình ở Afghanistan là "nỗi nhục" đối với Mỹ: "Tình hình thay đổi chóng mặt ở Afghanistan rõ ràng là một đòn giáng mạnh vào Mỹ. Nó cho thấy sự thất bại toàn diện của Mỹ trong nỗ lực tái định hình Afghanistan. Việc này cũng chứng tỏ sự bất lực của Mỹ và Mỹ trên thực tế đúng là 'hổ giấy'".
Sự tự tin của Bắc Kinh trong việc ứng phó với Taliban đã được phản ánh tại Kabul. Khi Mỹ và đồng minh vội vã rút lui và đưa nhân viên đại sứ quán rời khỏi Afghanistan, Trung Quốc - và Nga - dường như không có nhiều động tĩnh.
Trong một tuyên bố hôm 15/8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul cho biết họ đã yêu cầu các bên ở Afghanistan "bảo vệ sự an toàn của công dân Trung Quốc, các cơ quan Trung Quốc và tài sản của Trung Quốc."
Đại sứ quán cũng cho biết họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về thương tích hoặc thương vong liên quan đến công dân Trung Quốc, đồng thời nhắc nhở công dân nước này "theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa an toàn và không đi ra ngoài."
Tại cuộc họp báo hôm 16/8, bà Hoa Xuân Oánh xác nhận đại sứ quán Trung Quốc ở Kabul vẫn đang hoạt động, đồng thời nói thêm rằng họ đã sơ tán phần lớn công dân Trung Quốc ở Afghanistan từ trước.