Phim truyền hình Việt thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả trong giai đoạn giãn cách xã hội, khi nhiều phương tiện giải trí phải tạm ngừng. Ngoài việc theo dõi về kịch bản, diễn xuất, sự thay đổi mạch phim, những yếu tố phụ như thời trang, âm nhạc, bối cảnh... dần được khán giả quan tâm hơn.
Gần đây, yếu tố thời trang của nữ diễn viên Phương Oanh (vai Phương Nam trong phim "Hương vị tình thân") trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Cụ thể, trong tập 105 (tức tập 34 phần 2) phát sóng tối 14-9 trên VTV1, nhân vật Phương Nam hốt hoảng chạy xuống nhà với bộ đồ ngủ màu xanh lá, chất liệu lụa, khoác thêm áo khoác ngoài đã nhận nhiều bình luận chê bai của khán giả. Các ý kiến cho rằng trang phục của Phương Nam không phù hợp, quá xấu, kém duyên, làm giảm vẻ đẹp của nhân vật.
Trước đó, cách phối đồ của Phương Nam cũng không ít lần nhận bình luận chê nhiều hơn khen. Nhiều khán giả cho rằng nhân vật này mặc lỗi mốt, gây nhàm chán.
Việc không hài lòng về trang phục nhân vật cũng tác động đến cảm xúc của khán giả khi xem phim. Trước "Hương vị tình thân", người xem cũng từng chỉ trích thời trang lòe loẹt đến mức khó hiểu của nhân vật Báu do Nhã Phương thể hiện trong phim "Cây táo nở hoa". Họ cho rằng Báu không cần phải mặc "thảm họa" đến mức đó để lột tả được tính cách của cô vì người bình thường không ai mặc như thế.Theo tìm hiểu của người viết, trang phục cho những vai diễn phim xã hội hiện đại đa phần do diễn viên tự chuẩn bị. Họ bàn bạc cùng đạo diễn, ê-kíp để đưa ra tạo hình phù hợp nhất rồi tự tìm trang phục, phụ kiện dựa theo yêu cầu chung.
Một số diễn viên tự mua sắm hoặc mượn từ người thân, bạn bè hay nhờ sự tư vấn, hỗ trợ từ các stylist (người tư vấn trang phục). Trong khi nhiều phim điện ảnh Việt đã bắt đầu có các nhà thiết kế thời trang kết hợp đầu tư, thiết kế, chuẩn bị trang phục cho dàn diễn viên thì phim truyền hình chưa có được sự chuyên nghiệp trong khâu này.
Trước đây, khi phim truyền hình chưa khởi sắc, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên tập trung vào kịch bản, diễn xuất của diễn viên... hơn là các yếu tố phụ nhưng rõ ràng, quan điểm này đến nay đã không còn phù hợp.
Bởi lẽ, khi phim truyền hình ngày càng nhận được sự quan tâm của công chúng thì càng phải chỉn chu tất cả các mặt, trong đó có thời trang. Sự chuyên nghiệp này không chỉ nâng tầm phim truyền hình Việt mà còn góp phần giúp mở rộng nguồn hợp tác "đôi bên cùng có lợi" giữa nhà làm phim và các hãng thời trang.
Theo nhà biên kịch Đông Hoa, việc chuyên nghiệp hóa dần khâu trang phục của phim truyền hình Việt là cần thiết bởi nhìn vào các nước trong khu vực thì yếu tố thời trang trong phim cũng quan trọng không kém. Chẳng hạn, trong phim truyền hình Hàn Quốc, đa phần đều có sự tài trợ trang phục từ các nhãn hàng thời trang, mang đến cho nhân vật sự phù hợp, chỉn chu và tạo được hình ảnh riêng.
|