Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia tại Mỹ phát hiện các mô mỡ là có thể ổ chứa virus, tạo môi trường cho nCoV lây lan và gây phản ứng viêm trong cơ thể.
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ khiến người mắc Covid-19 dễ trở nặng, tử vong. Nhóm chuyên gia tại Trường Y Đại học Stanford, Mỹ, vừa phát hiện cách thức lây nhiễm mới của SARS-CoV-2 trong cơ thể. Đó là lây từ niêm mạc phổi, đường hô hấp sang các tế bào, mô mỡ.
Nhóm chuyên gia cho rằng đây có thể là cách giải thích cho các trường hợp bị béo phì dễ tổn thương, nhập viện vì Covid-19.
Các mô mỡ là ổ chứa virus
Nghiên cứu được đăng tải trên bioRxiv ngày 25/10 và đang chờ phản biện. Nhóm chuyên gia nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, khám nghiệm tử thi của những bệnh nhân qua đời vì Covid-19. Họ phát hiện nCoV lây nhiễm sang hai loại tế bào được tìm thấy trong mô mỡ, gồm tế bào mỡ trưởng thành và tế bào miễn dịch (đại thực bào).
Nhóm tác giả xét nghiệm rRT-PCR các gene nCoV trong mẫu mô phổi, mỡ, tim và thận của 8 tử thi bệnh nhân Covid-19. Ngoài việc phát hiện nCoV ở phổi, tim, họ cũng tìm thấy virus trong mô mỡ ở thượng tâm mạc (mặt ngoài cơ tim), nội tạng và dưới da, thận.
Tải lượng SARS-CoV-2 được tìm thấy cao nhất ở phổi, xếp thứ hai là mô mỡ, sau đó đến tim, thận.
Reuters dẫn lời TS Catherine Blish, Trường Y Đại học Stanford, đại diện nhóm tác giả: “Tế bào mỡ bị xâm chiếm dẫn tới các phản ứng viêm rõ rệt. Hiện tượng này tương tự phản ứng miễn dịch được ghi nhận trong các trường hợp mắc Covid-19 nghiêm trọng”.
Dữ liệu của nhóm chuyên gia Mỹ củng cố thêm giả thuyết mô mỡ là các ổ chứa virus RNA như cúm A, HIV, đặc biệt với nCoV. Việc virus lây truyền giữa các mô mỡ tạo điều kiện cho nó sinh sôi, nhân lên và gây phản ứng viêm trong cơ thể. Phản ứng viêm càng nặng, bệnh nhân càng dễ nhập viện, tử vong.
Thừa, thiếu chất béo cũng gây hại
Năm 2020, một báo cáo từ New York, Mỹ, công bố trên tạp chí y học New England cho thấy cứ 5 người cần thở máy khi mắc Covid-19, ít nhất hai người bị béo phì. Báo cáo khác từ đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Pháp cũng ghi nhận gần 90% bệnh nhân béo phì nhập viện khi mắc Covid-19 cần thở máy.
Theo Conversation, một số nguyên nhân được đưa ra là lượng mỡ ở ngực, bụng cao hơn gây áp lực lên phổi. Nó khiến người béo phì khó thở, gây suy hô hấp nhanh khi mắc Covid-19. Một số bệnh nhân béo phì có thể thở quá nông hoặc quá chậm, khiến lượng oxy cung cấp cho cơ thể không đủ, gây ngừng tuần hoàn không liên tục.
Hai yếu tố này đều gây căng thẳng cho tim và phổi và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng Covid-19. Tuy nhiên, giả thuyết này không giải thích được hoàn toàn về hiện tượng tỷ lệ béo phì cao bất ngờ ở những F0 thể nặng. Vì vậy, giới chuyên gia đặt ra giả thuyết khác - mô mỡ có thể là ổ chứa khiến nCoV lây lan nhanh, gây viêm và tạo thành các cơn bão cytokine.Đây không phải lần đầu tiên giới nghiên cứu tìm ra mối liên hệ khiến người béo phì dễ tổn thương vì Covid-19. Tháng 11/2020, trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advances in Nutrition và EurekaAlert, nhóm chuyên gia tại Trường Y của Đại học São Paulo, Brazil, đã đặt ra vấn đề này.
Mô mỡ dự trữ lượng lớn các tế bào miễn dịch. Những người béo phì dễ bị phản ứng bão cytokine khi mắc Covid-19. Điều này sẽ dẫn đến tổn thương phổi, suy hô hấp nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.
"Cơn bão cytokine dẫn đến tình trạng viêm toàn thân, tương tự nhiễm trùng huyết ở một số bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Chúng tôi cho rằng các yếu tố gây viêm này đến từ mô mỡ. Khi các tế bào mỡ giãn nở quá mức, chúng có thể gây viêm khắp cơ thể", GS Marilia Cerqueira Leite Seelaender, khoa Phẫu thuật Lâm sàng, trả lời phỏng vấn của Agência FAPESP.
Nhóm tác giả đã phân tích mô mỡ thu được khi khám nghiệm tử thi của những F0 qua đời vì Covid-19 và bệnh nhân từng nhiễm nCoV cần chuyển phẫu thuật khẩn cấp. Kết quả sơ bộ cho thấy nCoV có thể được tìm thấy trong các tế bào mô mỡ, với màng giàu thụ thể ACE-2, giúp virus dễ dàng xâm nhập tế bào người.
Theo GS Seelaender, điều đáng chú ý là các tế bào mỡ nội tạng (nằm sâu trong bụng và bao quanh các cơ quan) có nhiều ACE2 hơn mô mỡ dưới ra. Chúng cũng gây viêm nhiều hơn. Kết quả, người bị béo phì, dư thừa nhiều mỡ nội tạng có xu hướng dễ tổn thương, trở nặng, tử vong khi mắc Covid-19 hơn.
Nhóm tác giả cũng lưu ý tình trạng dinh dưỡng có thể ảnh hưởng phản ứng của bệnh nhân trước Covid-19. Cả béo phì và suy dinh dưỡng - bao gồm cả suy mòn và giảm sút cơ (mất khối lượng cơ xương liên quan đến lão hóa) - đều có thể làm suy giảm phản ứng miễn dịch và ngăn cản sinh vật chống lại sự lây nhiễm của nCoV.
Chất béo khi thừa hoặc thiếu cũng đều là tình trạng báo động, gây nguy hiểm. Mô mỡ tiết ra leptin - loại hormone điều chỉnh sự trao đổi chất của tế bào lympho T. Chất béo quá cao làm các tế bào ít nhạy cảm hơn với leptin, kết quả là lượng hormone này giải phóng quá mức, khiến hệ miễn dịch bị ảnh hưởng. Ngược lại, nếu nó quá thấp, cơ thể cũng trở nên mất cân bằng và khó chống lại các tác nhân gây bệnh.
|
|