Ăn mặn có thể gây ra rất nhiều bệnh tật. Nếu cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu này có thể bạn đang trong tình trạng "thừa" muối.
Hiện nay, một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ trung bình khoảng 9,4g muối mỗi ngày, gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 5g muối một ngày (Theo VN Express). Nguyên nhân là do Việt Nam có rất nhiều loại gia vị, từ mắm, muối, hạt nêm, bột canh, mắm nêm, mắm tép… và từ lâu người Việt đã có thói quen sử dụng các loại gia vị này trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại Việt Nam là đến từ muối và các gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn. 11% muối đến từ các thực phẩm chế biến sẵn và muối trong các thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày, ngoài ra còn có mì chính và muối tinh.
Ăn nhiều muối có hại cho sức khoẻ thế nào?
1. Tăng huyết áp
Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến huyết áp cao. Ăn mặn khiến màng tế bào thẩm thấu nhiều natri. Sau đó ion natri sẽ chuyển vào tế bào cơ trơn của thành mạch. Nồng độ ion natri trong máu tăng cao, làm tăng sức cản ngoại vi của mạch máu, gây giữ nước và dẫn đến tăng huyết áp.
2. Tăng nguy cơ mắc bệnh thận
Ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng tới thận vì natri sau khi nạp vào cơ thể chủ yếu sẽ được đào thải qua thận. Ngoài ra, ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải nạp thêm nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu đã bị bệnh thận mà bệnh nhân vẫn sử dụng đồ ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng nặng. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,...
3. Mất canxi dẫn đến yếu xương
Ăn nhiều muối trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mất canxi vì trong quá trình cơ thể bài tiết natri, canxi cũng sẽ bị đào thải ra khỏi cơ thể và làm tăng nguy cơ loãng xương.
4. Gây viêm loét dạ dày
Muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Ngoài ra, một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những người thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Vì vậy những người có dạ dày kém nên ăn nhạt hơn để phòng ngừa viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.
5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang “thừa” muối
1. Khô miệng, khát nước
Ăn quá nhiều muối gây ra tình trạng khô miệng, khát nước do sự cân bằng điện giải giữa muối và nước trong cơ thể bị phá vỡ. Lúc này, để điều chỉnh cho cơ thể trở lại trạng thái bình thường, não bộ sẽ phát ra tín hiệu khát nước và gây ra tình trạng khô miệng.
2. Suy giảm nhận thức
Ăn quá nhiều muối gây ra tình trạng tăng huyết áp, làm hỏng các động mạch dẫn đến não, từ đó sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ và sự tập trung. Ăn mặn thường xuyên trong thời gian dài còn gây ra suy giảm trí nhớ, mệt mỏi và phản ứng chậm chạp.
3. Sưng phù
Nếu bàn tay, bàn chân, mặt bị sưng phù thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thừa muối. Ăn mặn sẽ gây ra hiện tượng giữ nước và không thể đào thải ra bên ngoài dẫn đến tình trạng các bộ phận trên cơ thể bị sưng phù.
4. Đau đầu
Cơ thể chứa nhiều natri sẽ khiến thể tích máu tăng lên, lấn chiếm nhiều không gian trong mạch máu, tạo áp lực lên thành mạch gây tăng huyết áp, từ đó dẫn đến những cơn đau đầu dai dẳng.
5. Luôn buồn đi vệ sinh
Ăn mặn khiến thận phải hoạt động nhiều hơn để lọc và loại bỏ lượng natri thừa ra khỏi cơ thể. Vì vậy, người ăn mặn sẽ thường xuyên buồn đi vệ sinh. Bên cạnh đó, hãy để ý đến màu của nước tiểu của bạn. Nếu nước tiểu ít và có màu đậm, nhiều khả năng cơ thể đang bị mất nước đáng kể do tác động của việc ăn mặn.
Ăn mặn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ, vì vậy mọi người nên cố gắng khống chế lượng muối trong mỗi bữa ăn theo khuyến nghị của WHO để đảm bảo sức khoẻ cho cơ thể. Bên cạnh việc hạn chế ăn các loại gia vị chứa nhiều muối thì mọi người cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa hàm lượng muối cao như giăm bông, khoai tây chiên, bim bim,... Đồng thời, mọi người nên thường xuyên tập luyện thể thao để giúp cơ thể đào thải ion natri qua đường mồ hôi.
VietBF @ Sưu tầm